xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhật Bản "cởi trói" vũ khí

LỤC SAN

MAST châu Á 2017 là dịp để chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đẩy mạnh các mối quan hệ quân sự công nghiệp, từ đó mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Cuộc Triển lãm Công nghệ và Hệ thống phòng thủ hàng hải hàng không (MAST) châu Á 2017, do Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức, diễn ra từ ngày 12 đến 14-6 ở TP Chiba.

Điểm nhấn mới

Đây là cuộc triển lãm quốc tế duy nhất của Nhật Bản về vũ khí chuyên dụng và cũng là cuộc triển lãm thương mại duy nhất dành cho các chuyên gia công nghệ cao cấp về phòng thủ và an ninh hàng hải.

Ngoài trưng bày các sản phẩm quốc phòng, MAST còn là nơi tranh luận giữa những chuyên gia quân sự trong các lĩnh vực mặt biển, ngầm dưới biển, hàng không và không gian, đồng thời đưa ra những triển vọng mới nhằm đáp ứng các năng lực tiềm tàng trong tương lai.

Nhật Bản cởi trói vũ khí - Ảnh 1.

Mô hình máy bay tuần tra săn tàu ngầm P-1 của Công ty Kawasaki tại MAST châu Á 2017 Ảnh: AP

Đáng chú ý nhất, MAST 2017 là dịp để chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đẩy mạnh các mối quan hệ quân sự công nghiệp, từ đó mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Với mục tiêu đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời đại diện một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tham dự cuộc hội thảo chuyên đề công nghệ quân sự cùng đại biểu các nước Úc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Anh và Mỹ. "Bộ Quốc phòng Nhật Bản chủ trì hội thảo chuyên đề ngay sau khi MAST kết thúc" - Reuters trích dẫn một nguồn tin cho biết.

Tokyo đang muốn biến các thương vụ vũ khí và sự hợp tác về công nghệ quân sự trở thành điểm nhấn mới trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản ở Đông Nam Á để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở biển Đông. Mỗi năm, lượng hàng hóa được vận chuyển bằng tàu qua biển Đông có giá trị lên đến 5.000 tỉ USD, trong đó phần lớn được chở đến và đi từ Nhật Bản.

Hồi năm 2014, Thủ tướng Abe đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài hàng thập kỷ, một phần để giảm bớt chi phí thu mua bằng cách mở rộng sản xuất vũ khí. Động thái này còn cho phép Nhật Bản sử dụng công nghệ vũ khí làm phương tiện để thu hút các nước khác tăng cường hợp tác quân sự.

Thị trường tiềm năng

Thị trường vũ khí ở Đông Nam Á đang lớn mạnh giữa lúc kinh tế tăng trưởng thúc đẩy gia tăng chi tiêu cho quốc phòng. Nhật Bản nhiều khả năng sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho khu vực này. "Giá cả là điều duy nhất đáng quan tâm ở Đông Nam Á và Trung Quốc sẽ chào bán với giá thấp" - ông Paul Burton, chuyên gia tại Công ty Dịch vụ Tài chính IHS Markit (Anh), nhận định.

Trong lần đầu tiên tham gia MAST năm 2015, các công ty quốc phòng Nhật Bản tỏ ra dè dặt trong việc quảng bá sản phẩm bởi công chúng còn lo ngại về sự trở lại của chủ nghĩa quân phiệt. Khi đó, chỉ Công ty Công nghệ Thông tin đa quốc gia NEC triển lãm riêng còn các công ty khác trưng bày chung trong một gian hàng.

Lần này, ít nhất 16 công ty Nhật Bản trưng bày sản phẩm riêng - từ nhà chế tạo vũ khí hàng đầu Mitsubishi Heavy Industries đến hãng Kawasaki chuyên chế tạo máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và ShinMaywa chuyên chế tạo máy bay đổ bộ US-2.

Gây ấn tượng cho khách tham quan là những trang thiết bị, công nghệ như tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển, nguyên mẫu xe đổ bộ, công nghệ dò mìn và hệ thống radar tiên tiến… Ngoài ra, sự kiện kéo dài 3 ngày này còn thu hút nhiều tên tuổi nổi bật đến từ nước ngoài, như Công ty Lockheed Martin (Mỹ) - nhà sản xuất chiến đấu cơ tàng hình F-35 - và Công ty Thales SA (Pháp) - chuyên thiết kế và chế tạo các hệ thống điện tử. Trong dấu hiệu cho thấy sự phát triển của sự kiện, diện tích trưng bày của MAST 2017 rộng gấp đôi MAST 2015, theo người phát ngôn của ban tổ chức. 

Nỗi lo của Mỹ

Giới lãnh đạo Mỹ đang lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh lên các đồng minh truyền thống của Washington trong bối cảnh chính quyền nền kinh tế số 2 thế giới đang theo đuổi những chính sách đối ngoại táo bạo hơn. Nỗi lo gần đây nhất đến từ quyết định tạm ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Giới chức Washington và Seoul trong những năm gần đây nhất trí cho rằng THAAD là cần thiết để bảo vệ Hàn Quốc trước sự leo thang căng thẳng từ phía Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh một mực ngăn cản vì sợ rằng THAAD có thể đe dọa sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của nước này. Không phản đối suông, Trung Quốc đã giáng nhiều đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Hàn Quốc.

Quyết định ngưng triển khai THAAD, ông chủ Nhà Xanh viện lý do phải đánh giá lại vấn đề môi trường. Tuy nhiên, nghị sĩ Dick Durbin - nhân vật số 2 của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ - lo ngại ông Moon có thể nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ có cơ hội tốt hơn khi bắt tay với Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên thay vì hợp tác với Mỹ. Nếu nhận định này là đúng, quan hệ truyền thống giữa Washington và Seoul có thể không còn gần gũi như trước.

Ông Moon không phải lãnh đạo duy nhất trong khu vực khiến các nhà lập pháp Mỹ bận lòng. Theo tờ Washington Examiner, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi năm ngoái liên tục trút lên chính quyền Tổng thống Barack Obama những lời khó nghe và kêu gọi "chia tách" khỏi nước Mỹ.

Đồng tình với ông Durbin, nghị sĩ Ted Yoho, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nhận định nhiều chính sách của Tổng thống Donald Trump, trong đó có việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã vô tình củng cố chỗ đứng của Trung Quốc tại khu vực. Tuy nhiên, nghị sĩ Đảng Cộng hòa này cho rằng về lâu dài, tất cả sẽ đảo ngược nhờ chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ cũng như những thỏa thuận kinh tế của Washington với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Trong trường hợp chiến lược này không hiệu quả và Trung Quốc tiếp tục thống trị khu vực, ông Yoho cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và một đồng minh của Washington.

Thu Hằng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo