Trận động đất 9,0 độ Richter, mạnh thứ 4 trong lịch sử này còn gây ra sự dịch chuyển dữ dội và rộng khắp bất thường trong lòng đất qua quá trình hóa lỏng, một nghiên cứu mới cho hay.
Đất bị lún gần 1m ở nhà máy nước sạch phục vụ 19.000 người ở Nhật
Khu vực gần các bờ biển, bến cảng, sông ngòi, động đất có thể làm dịch chuyển đất cát, tạm thời biến chúng từ trạng thái rắn sang dạng lỏng – quá trình này được biết với thuật ngữ hóa lỏng. Cát nặng và đá bị lún, trong khi nước và cát nhẹ hơn trào lên trên bề mặt. Vùng than bùn bị mở rộng, thường là về phía có nước và bề mặt bị dịch chuyển.
Quá trình hóa lỏng ở Nhật xảy ra trên hàng trăm km, khiến ngay cả các kỹ sư nhiều kinh nghiệm cũng không khỏi kinh ngạc dù họ đã kinh qua nhiều hiện trường các vụ động đất khủng khiếp trước đây, bao gồm những trận động đất gần đây ở Chile và New Zealand.
Nghiên cứu đã làm dấy lên những câu hỏi về về tiêu chuẩn xây dựng nhà đương đại ở các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng khác, bao gồm cả các khu vực Oregon, Washington và Carlifornia.
“Trước đây chúng tôi đã từng thấy hiện tượng đất bị hóa lỏng nghiêm trọng như thế này, nhưng quy mô và mức độ thiệt hại tại Nhật quả thật bất thường”, Scott Ashford, một thành viên trong nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Oregon, Mỹ, cho hay.
“Toàn bộ cấu trúc bị nghiêng và đang chìm xuống lớp trầm tích, trong khi thậm chí chúng hầu như không bị hư hại gì”, Ashford cho hay. “Những dịch chuyển trong đất hủy hoại đường ống nước, khí đốt và chất thải, làm tê liệt cơ sở hạ tầng. Chúng tôi thấy một số khu vực bị lún tới 1,2m.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian kéo dài của trận siêu động đất, khoảng 5 phút, có thể là nhân tố chính gây ra tình trạng hóa lỏng nghiêm trọng trên.
Bình luận (0)