Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 27-3 cho biết đại sứ quán nước này tại Bắc Kinh đã được chính quyền sở tại thông báo rằng "một người đàn ông Nhật Bản ngoài 50 tuổi đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh hồi đầu tháng này vì cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc".
Dù không cung cấp thông tin chi tiết như danh tính, chức vụ, nơi làm việc, thời điểm bị bắt giữ hay bị bắt vì tội danh gì nhưng ông Matsuno yêu cầu phía Trung Quốc "lập tức trả tự do cho công dân Nhật Bản".
"Chúng tôi cũng yêu cầu Trung Quốc cho phép người đàn ông này tiếp cận với các quan chức ngoại giao Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đang làm mọi việc để cho người đàn ông này có thể liên lạc được với các bên liên quan" - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nhấn mạnh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho biết sở dĩ họ bắt giữ công dân Nhật Bản nói trên vì tình nghi "hoạt động gián điệp". "Chúng tôi đang giữ một công dân Nhật Bản vì nghi ngờ người này tham gia các hoạt động gián điệp, vi phạm luật hình sự và luật chống gián điệp của Trung Quốc" - bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết hôm 27-3.
Bà Mao Ninh nói thêm Trung Quốc là quốc gia thượng tôn pháp luật, mọi công dân nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp nước này và những người có tội đều sẽ bị truy tố theo luật định.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno yêu cầu Trung Quốc lập tức trả tự do cho công dân Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Astellas Pharma, công ty dược đa quốc gia có trụ sở tại Nhật Bản, thừa nhận người đàn ông bị Bắc Kinh bắt giữ là nhân viên của công ty. Hãng dược cũng không tiết lộ bất cứ thông tin gì về người bị bắt giữ, bao gồm cả việc người này có làm việc tại Trung Quốc hay không
"Chúng tôi đang chờ thông báo từ phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản" - phát ngôn viên hãng dược Astellas Pharma nhấn mạnh.
Hãng AP nhận định vụ bắt giữ mới nhất đã gây sốc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Trung Quốc. Các nhà đầu tư từ xứ hoa anh đào lo lắng về những rủi ro khi kinh doanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo thông lệ ở Trung Quốc, các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia không được công bố và các phiên tòa cũng sẽ xét xử kín. Hầu hết các trường hợp, ngay cả khi bản án được đưa ra, thì các chi tiết liên quan đến vụ án vẫn được giữ kín.
AP cho biết đã có hơn chục trường hợp khác liên quan đến công dân Nhật Bản có hoạt động kinh doanh hoặc các mối liên hệ khác với Trung Quốc bị bắt giữ với nhiều cáo buộc khác nhau, bao gồm hoạt động gián điệp.
Vào tháng 10-2019, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một giáo sư Nhật Bản với nghi ngờ làm gián điệp. Người này được trả tự do và quay về Nhật Bản vào tháng sau đó.
Tới tháng 3-2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc nhưng đang giảng dạy đại học tại Nhật Bản. Bắc Kinh cho biết người này sau đó đã thú nhận làm gián điệp cho Tokyo.
Chưa hết, vào năm ngoái, Trung Quốc cũng bắt giữ một nhà ngoại giao Nhật Bản nhưng sau vài giờ thẩm vấn thì người này được thả. Vụ việc khiến Bộ Ngoại giao Nhật Bản lên tiếng phản ứng mạnh mẽ.
Bình luận (0)