Không tin rằng cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc, ông Hiroo Onoda một mình sống trong rừng rậm trên đảo Lubang gần Luzon - Philippines mãi cho đến năm 1974.
Phải đến khi vị cựu sĩ quan chỉ huy của ông đến tận nơi thuyết phục và tuyên bố hủy bỏ mệnh lệnh, ông Hiroo Onoda mới rời khỏi nơi trú ẩn để quay về quê nhà.
Ông Onada đầu hàng chính phủ Philippines và trở về nước.
Ảnh: AP
Năm 2001, ông Onoda phát biểu: "Tôi không có gì phải hối tiếc". Ảnh: BBC
Vào thời điểm Thế chiến II sắp kết thúc, Trung úy Hiroo Onoda được lệnh bám trụ tại đảo Lubang chống lại lực lượng Mỹ đang tiến xuống từ phía Bắc Philippines. Suốt gần ba thập kỷ, ông đã tuân thủ mệnh lệnh "không được đầu hàng" và trung thành với lời thề chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Trả lời phỏng vấn đài ABC trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, ông Onoda cho biết: “Mỗi người lính Nhật Bản đều sẵn sàng cho cái chết. Nhưng với tư cách là một sĩ quan tình báo, tôi được lệnh phải sống sót để thực hiện nhiệm vụ chiến tranh du kích”.
Khi hoạt động trên đảo Lubang, viên trung úy bí mật trinh sát các cơ sở quân sự và tham gia vào một số cuộc đụng độ lẻ tẻ với người dân địa phương. Ba người lính ở cùng ông Onoda cuối Thế chiến II đều lần lượt ra đi. Một người đầu hàng năm 1950, hai người thiệt mạng khi giao tranh với quân đội địa phương.
Chính quyền Tokyo trong một nỗ lực tìm kiếm các cựu binh còn sống sau chiến tranh đã rải tờ rơi ở khu vực ông Onoda ẩn náu nhưng viên trung úy nghĩ rằng đó là âm mưu của người Mỹ nhằm bắt sống mình nên nhất quyết không chịu ra mặt.
Phải đến tháng 3-1974, cựu chỉ huy của ông Onoda đến Philippines thuyết phục cấp dưới trở về nước. Viên trung úy đã chào cờ theo nghi thức Nhật Bản và bàn giao thanh kiếm samurai của mình cho chính phủ Philippines trong khi vẫn mặc bộ quân phục sờn rách.
Ông Onoda được chào đón như người hùng khi trở về Nhật Bản. Ảnh: BBC
Hồi tưởng lại ký ức thời chiến tranh. Ảnh: AP
Mặc dù nhận được sự tha thứ từ chính quyền Manila nhưng người dân đảo Lubang vẫn căm hận ông Onoda thấu xương vì đã giết chết tổng cộng 30 người trong thời gian ông ở trên đảo.
Sau khi đầu hàng, ông Onada thành lập một trang trại ở Brazil cùng với hàng loạt ngôi trường đào tạo về các kỹ năng tồn tại ở quê hương Nhật Bản. Ông qua đời hôm 16-1 ở tuổi 91.
Ông được coi là một trong những người lính cuối cùng của Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế chiến II. Ngoài ông Onoda còn có binh nhì Teruo Nakamura, người đã tự trồng lúa để sống sót trên hòn đảo Morotai của Indonesia. Ông Nakamura được phát hiện vào tháng 12-1974 và qua đời ở Đài Loan năm 1979.
Bình luận (0)