"Chúng ta phải đánh giá triệt để xem Trung Quốc có sẵn sàng thực hiện các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không. Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến với các thành viên khác trong khi vẫn tuân thủ các thủ tục phê duyệt thành viên mới" - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói tại một cuộc họp báo ngày 17-9.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato. Ảnh: The Mainichi
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi Nhật Bản cũng bày tỏ lập trường thận trọng về đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc.
Ông Aso nêu câu hỏi liệu Trung Quốc có đang ở trạng thái có thể gia nhập CPTPP hay không trong khi ông Motegi nhấn mạnh Tokyo cần phản hồi "từ quan điểm chiến lược", đồng thời cho hay sẽ ưu tiên đơn xin gia nhập CPTPP của Anh nộp vào đầu năm nay.
Các thành viên hiện tại của CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Riêng Mỹ vẫn thận trọng về việc tái tham gia hiệp ước này sau khi rút khỏi TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - tiền thân của CPTPP) vào tháng 1-2017.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP.
Trước đó, ngày 16-9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông báo nước này đã chính thức nộp đơn đăng ký làm thành viên của CPTPP cho Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Vương và ông O'Connor đã có cuộc điện đàm thảo luận về các bước tiếp theo sau đó.
Lúc ra đời, TPP được Mỹ hình dung là một khối kinh tế để đối trọng với quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama tuyên bố vào năm 2016 rằng Washington, chứ không phải Bắc Kinh, nên là quốc gia viết các quy tắc thương mại trong khu vực. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi hiệp ước này vào năm 2017.
Các cuộc đàm phán để Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ không đơn giản bởi Úc đang tranh chấp kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuần trước đã vận động Canberra hỗ trợ mình tham gia thỏa thuận.
Canada cũng đang bất đồng với Trung Quốc về một số vấn đề, bao gồm vụ Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập Tập đoàn Huawei. Bắc Kinh sau đó bắt giữ 2 công dân Canada và kết án tù 1 trong 2 người.
Bình luận (0)