Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao đã gửi đơn gia nhập CPTPP đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết ông Wang và ông O'Connor đã có cuộc điện đàm thảo luận về các bước tiếp theo sau đó.
CPTPP được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Ban đầu, hiệp định có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được xem là đối trọng kinh tế quan trọng đối với ảnh hưởng trong khu vực của Trung Quốc.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
TPP khi đó được xem là trọng tâm của Mỹ khi cựu Tổng thống Barack Obama xoay trục chiến lược sang châu Á. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, cựu Tổng thống Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi hiệp định vào năm 2017.
Theo hãng tin Reuters, việc gia nhập CPTPP sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia vào năm ngoái. Anh và Thái Lan cũng đã có dấu hiệu cho thấy quan tâm đến việc tham gia CPTPP.
Động thái đăng ký gia nhập của Trung Quốc theo sau động thái tương tự của Anh hồi tháng 1.
Bộ trưởng Thương mại Wang Wentao. Ảnh: Reuters
Theo tờ South China Morning Post, ông Sourabh Gupta, thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ tại Washington, nhận định: "Trung Quốc muốn bắt đầu đàm phán trước khi Anh gia nhập hiệp định này vì rủi ro Trung Quốc bị phủ quyết gia nhập khi đó sẽ lớn hơn. Nước duy nhất trong CPTPP có thái độ không hoan nghênh là Nhật Bản".
Nhật Bản hiện nắm quyền chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP trong khi New Zealand phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập hiệp định.
Sau khi đơn gia nhập được chấp nhận, một nhóm công tác sẽ được thành lập để tiếp tục quá trình đàm phán. Ứng viên gia nhập cần cho thấy mình dự định tuân thủ quy tắc của CPTPP và bắt đầu thương lượng thuế quan với các thành viên theo hình thức song phương.
Bình luận (0)