Đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên được quân đội Nhật Bản thành lập kể từ Thế chiến II đã đi vào hoạt động hôm 7-4 với nhiệm vụ giành lại các hòn đảo xa ở biển Hoa Đông trong trường hợp chúng bị xâm chiếm, trong đó có quần đảo Senkaku đang được Tokyo kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
Phát biểu tại buổi lễ diễn ra tại doanh trại Ainoura ở TP Sasebo trên đảo Kyushu, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomohiro Yamamoto khẳng định việc bảo vệ chủ quyền các hòn đảo trở thành nhiệm vụ quan trọng giữa lúc tình hình an ninh quanh Nhật Bản ngày một phức tạp. "Lữ đoàn Đổ bộ triển khai nhanh (ARDB) sẽ cho cộng đồng quốc tế thấy quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ các hòn đảo" - ông Yamamoto nhấn mạnh.
Nhân dịp này, khoảng 200 binh sĩ ARDB đã diễn tập nội dung tái chiếm một hòn đảo hẻo lánh từ tay kẻ xâm lược. Đơn vị trực thuộc Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản (GSDF) này hiện có 2.100 thành viên nhưng quân số dự kiến tăng lên 3.000 người trong thời gian tới. Ngoài ra, ARDB dự kiến còn được trang bị 17 máy bay vận chuyển V-22 Osprey và 52 xe tấn công đổ bộ.
Các thành viên ARDB tham gia cuộc diễn tập tại doanh trại Ainoura hôm 7-4 Ảnh: REUTERS
Lữ đoàn nói trên là thành phần mới nhất được bổ sung vào một lực lượng lính thủy đánh bộ đang không ngừng phát triển của Nhật Bản, trong đó có tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ, tàu tấn công đổ bộ, máy bay vận tải... Lực lượng này ra đời giữa lúc Tokyo quan ngại Bắc Kinh tìm cách lấn tới ở Tây Thái Bình Dương và không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự. Trung Quốc dự kiến chi đến 176,56 tỉ USD cho các lực lượng vũ trang năm 2018, nhiều hơn 3 lần so với Nhật Bản.
Việc đưa ARDB đi vào hoạt động giúp Nhật Bản tiến gần hơn ý định thành lập một lực lượng tương tự Đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh Mỹ (MEU), có khả năng hoạch định và tiến hành chiến dịch ở vùng biển xa căn cứ.
Tuy nhiên, ông Grant Newsham, chuyên gia tại Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, nhận định để có những năng lực như MEU, Tokyo phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Nhật Bản còn cần có một trụ sở chung của hải quân và lục quân để điều phối các chiến dịch đổ bộ cũng như tăng cường số lượng tàu đổ bộ để vận chuyển binh sĩ, khí tài. Ông Newsham dự báo Tokyo sẽ có một lực lượng lính thủy đánh bộ có năng lực đáng nể trong vòng 1-1,5 năm nữa nếu đi đúng hướng.
Đây cũng là điều các nhà hoạch định quân sự Nhật Bản hướng đến khi xem xét bổ sung sức mạnh cho lực lượng trên. Chẳng hạn như Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) muốn mua tiêm kích tàng hình F-35B để hoạt động từ 2 tàu sân bay trực thăng Izumo và Ise hoặc từ chuỗi đảo ở biển Hoa Đông. Mỹ vào tháng rồi lần đầu tiên triển khai F-35B trên tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, hiện đồn trú tại căn cứ hải quân ở Sasebo.
Ngoài ra, GSDF có thể mua tàu đổ bộ cỡ nhỏ (dài đến 100 m) để vận chuyển binh sĩ, khí tài giữa các hòn đảo và từ tàu lớn ngoài khơi đến bờ. GSDF còn lên kế hoạch triển khai vũ khí chống máy bay và tên lửa chống hạm tại những hòn đảo xa như Miyako và Ishigaki.
Theo Reuters, những người chỉ trích lo ngại ARDB có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng. Trong bản Hiến pháp Hòa bình ra đời sau Thế chiến II, Tokyo đã từ bỏ quyền phát động chiến tranh. Dù vậy, hãng tin Kyodo nhận định tranh cãi về việc thành lập một đơn vị đổ bộ không còn gây nhiều tranh cãi như trước trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng hoạt động quân sự cả ở trên không lẫn trên biển. Quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Bình luận (0)