Nội các Nhật Bản ngày 22-12 đã thông qua ngân sách quốc phòng kỷ lục cho tài khóa bắt đầu từ ngày 1-4-2017.
Nhiều thách thức
Cụ thể, ngân sách quốc phòng của Nhật sẽ tăng 1,4% lên 5.100 tỉ yen (tương đương 44 tỉ USD), kỷ lục mới kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào năm 2012. Nhiều khả năng khoản ngân sách này sẽ được thông qua do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang kiểm soát quốc hội. Nếu đúng vậy, đây sẽ là tài khóa thứ 5 liên tiếp Nhật Bản chứng kiến chi tiêu quốc phòng gia tăng.
Tàu khu trục JS Ashigara của Nhật Bản Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Đây là bước đi khó tránh trong bối cảnh Tokyo đối mặt sự khiêu khích của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông liên quan đến tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và mối đe dọa tên lửa, hạt nhân từ Triều Tiên. Sức ép cũng đến từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, người kêu gọi các đồng minh chi nhiều hơn để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự từ Washington trong lúc vận động tranh cử.
Mỹ hiện có khoảng 54.000 quân nhân đồn trú ở Nhật Bản, có nghĩa vụ bảo vệ nước chủ nhà theo hiệp ước quốc phòng song phương. “Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng” - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada nhấn mạnh tại cuộc họp báo trong tuần này.
Tăng chi tiêu quân sự là vấn đề gây tranh cãi tại Nhật Bản bởi nhiều người dân nước này vẫn ủng hộ bản hiến pháp hòa bình được ra đời sau Thế chiến II.
Bất chấp sự gia tăng, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn được duy trì ở mức 1% GDP suốt hơn 2 thập kỷ qua - một trong những tỉ lệ thấp nhất trong số các cường quốc. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), tỉ lệ này của Trung Quốc vào khoảng 2% GDP. Nếu xét về giá trị USD, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Răn đe Trung Quốc
Đối mặt thách thức từ Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản dự kiến dành ra 73 tỉ yen trong ngân sách quốc phòng mới nhất để đóng một loại tàu ngầm mới có nhiều tính năng được cải tiến. Phó Đô đốc Nhật Bản về hưu Toshiyuki Ito cho rằng việc bổ sung các tàu ngầm mới sẽ giúp giám sát tàu Trung Quốc tại vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư. Hồi tháng 6, tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên đã đi vào vùng biển này.
“Chiến lược quan trọng của Nhật Bản là răn đe Trung Quốc. Toyko muốn cho Bắc Kinh thấy cái giá đắt phải trả của những bước đi sai lầm để ngăn chiến tranh nổ ra” - ông Ito, giáo sư Viện Công nghệ Kanazawa (Nhật Bản), nhận định.
Nhật Bản đang sở hữu 17 tàu ngầm diesel - điện và có kế hoạch tăng lên 22 chiếc vào năm 2021. Con số này vẫn còn quá ít so với hạm đội tàu ngầm gồm 60 chiếc hiện nay của Trung Quốc.
Ngoài ra, Nhật Bản còn dự kiến tăng ngân sách cho lực lượng tuần duyên lên 210 tỉ yen, bổ sung 5 tàu tuần duyên (hiện là 14) và 200 nhân viên để bảo vệ Senkaku.
Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Keiichi Ishii nhận định tình hình ở Hoa Đông trở nên cấp bách bởi Trung Quốc không ngừng khiêu khích, như lần đưa hàng trăm tàu cá và tàu hải cảnh vào vùng biển quanh Senkaku hồi mùa hè qua.
Nỗi lo an ninh của Nhật còn đến từ Triều Tiên, quốc gia đã tiến hành hàng chục vụ phóng tên lửa trong năm nay. Bốn tên lửa trong số này rơi cách bờ biển phía Bắc Nhật Bản khoảng 240 km. Để đối phó, ngân sách quốc phòng mới nhất của Nhật sẽ dành 65 tỉ yen cho các biện pháp phòng thủ tên lửa, như hoàn tất hệ thống đánh chặn tên lửa trên tàu mà Tokyo đang hợp tác phát triển với Washington.
Nhật cũng cân nhắc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, bất chấp Trung Quốc và Nga đang phản đối kế hoạch tương tự ở Hàn Quốc.
Bình luận (0)