"Chúng tôi yêu cầu người dân chỉ mua những gì cần vào lúc cần vì nguồn cung thực thẩm luôn được bảo đảm. Chính phủ không có kế hoạch hoãn hoạt động của các cơ sở sản xuất lương thực" - ông Eto khẳng định, đồng thời nói thêm rằng không có bất cứ dấu hiệu nào về sự gián đoạn trong hoạt động nhập khẩu ngũ cốc.
Theo Reuters, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu ngũ cốc cũng như những thực phẩm khác từ Mỹ, Canada, Úc, Brazil và Argentina. Giới chức Nhật Bản cho biết doanh thu thực phẩm, đặc biệt là hàng đông lạnh và chế biến sẵn, đã tăng mạnh kể từ khi người dân bị yêu cầu làm việc tại nhà. Dù vậy, các hiệp hội hoạt động trong ngành công nghiệp này, trong đó có Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Nhật Bản, khẳng định hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường để đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình trạng khẩn cấp.
Người dân đeo khẩu trang trong lúc mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 7-4 Ảnh: REUTERS
Tuyên bố của Bộ trưởng Eto được đưa ra vài giờ trước khi Thủ tướng Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp 1 tháng tại vùng thủ đô Tokyo cùng 6 tỉnh khác: Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định "hoạt động kinh tế cơ bản" tại các khu vực này vẫn sẽ tiếp diễn trong khi hệ thống giao thông công cộng và siêu thị vẫn sẽ mở cửa.
Tình trạng khẩn cấp nêu trên được ban bố giữa lúc tổng số ca nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản đã tăng lên hơn 4.600 và 93 ca, với Tokyo là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 993 tỉ USD để đối phó với điều mà họ khẳng định là "khủng hoảng tồi tệ nhất" mà kinh tế thế giới phải đối mặt kể từ Thế chiến II.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto hôm 7-4 phê duyệt chỉ thị của chính phủ, cho phép chính quyền Jakarta tiến hành các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt tại khu vực này trong 2 tuần, với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Trước đó, Jakarta đã đóng cửa trường học và triển khai các biện pháp cách ly xã hội sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố đến ngày 19-4. Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp này kêu gọi tinh thần tự nguyện. Tính đến ngày 7-4, tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Indonesia đã tăng lên 2.738 và 221 ca.
Trong bối cảnh sự lây lan của virus SARS-CoV-2 không có dấu hiệu dừng lại, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc dự kiến tổ chức cuộc họp đầu tiên về Covid-19 vào 15 giờ ngày 9-4 (giờ New York), sau nhiều tháng trì hoãn liên quan đến tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của virus.
Theo một quan chức giấu tên, chưa rõ liệu cuộc họp (qua truyền hình) có đạt được kết quả mong muốn nào hay không và liệu các nước thành viên có thể hiện sự đoàn kết, sẵn sàng hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19 hay không.
Bình luận (0)