Nhật Bản, Pháp và Mỹ sẽ lần đầu tiên tập trận chung trên đất liền và trên biển giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, báo Sankei tiết lộ hôm 6-12.
Đợt tập trận trên dự kiến diễn ra tại một trong những quần đảo xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản vào tháng 5-2021. Nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến nỗ lực cứu trợ thiên tai nhưng không loại trừ khả năng có thêm phần phòng thủ nhằm chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng.
"Chúng tôi muốn cho thấy sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực và gửi thông điệp về hợp tác Nhật - Pháp. Đây là một thông điệp gửi đến Trung Quốc. Đây là một thông điệp về quan hệ đối tác đa phương và quyền tự do đi lại" - Đô đốc Pierre Vandier, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, nói với Sankei.
Nhật Bản đang ngày càng lo ngại về hoạt động gia tăng của Hải quân Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku (đang chịu sự kiểm soát của Tokyo nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.
Trong bối cảnh đó, Hải quân Anh trong năm tới sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến các vùng biển gần Nhật Bản để tập trận cùng quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Các nguồn tin cho hãng tin AP biết kể từ khi thông báo kế hoạch triển khai nhóm tàu nói trên đến Thái Bình Dương vào năm ngoái, Anh đã bàn bạc vấn đề với Nhật Bản và các nước liên quan. Theo giới quan sát, việc một quốc gia nằm ngoài khu vực và không phải Mỹ đưa tàu sân bay đến hoạt động ở Tây Thái Bình Dương là một động thái lạ thường.
Thủ tướng Suga Yoshihide trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở TP Sayama, hồi cuối tháng 11-2020Ảnh: REUTERS
Theo ông Kiyoteru Tsutsui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein của Trường ĐH Michigan (Mỹ), Thủ tướng Suga Yoshihide có thể xây dựng đồng minh đối phó Trung Quốc xoay quanh "Bộ tứ kim cương" (Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ).
Trong bài viết đăng trên trang Nikkei Asia, ông Tsutsui cho rằng mong muốn lớn nhất dành cho nhóm này là nó trở thành phiên bản châu Á của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để có thể kiềm chế Trung Quốc.
Nếu "Bộ tứ kim cương" trở thành một liên minh chính thức, tác động địa chiến lược của nhóm này trong việc gây sức ép lên Trung Quốc sẽ là rất lớn. Liên minh này thậm chí sẽ còn hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của những quốc gia khác trong khu vực, như Hàn Quốc, New Zealand, Philippines…
"Bộ tứ kim cương" hiện vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng bởi về cơ bản, đây vẫn chỉ là một liên minh 4 nước chia sẻ và thảo luận những quan ngại về Trung Quốc. Khả năng liên minh lỏng lẻo này trở thành một liên minh đáng gờm sẽ gia tăng nếu Trung Quốc tiếp tục các hành vi khiêu khích.
Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Suga có thể sử dụng "Bộ tứ kim cương" như một quân bài, từng bước thúc đẩy cam kết của nhóm trong khi chuẩn bị những bước đi để phát triển nhóm thành một liên minh vững chắc hơn nếu Trung Quốc tiếp tục "dòm ngó" Senkaku.
Mục tiêu "khó tránh"
Truyền thông Trung Quốc vừa chỉ trích Úc về kế hoạch bắt tay với Mỹ phát triển tên lửa siêu thanh hiện đại và gọi đây là "một mối đe dọa tiềm tàng" đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo kế hoạch được chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison công bố, loại tên lửa hành trình công nghệ cao này có thể bay nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh và đánh chìm tàu sân bay.
Căng thẳng Úc - Trung leo thang đã làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể nhắm đến một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của Úc: Giáo dục. Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng hóa thương mại Úc trong những tháng gần đây nhưng hiện vẫn chưa thực hiện bất cứ động thái nào nhằm vào lĩnh vực giáo dục của Úc. Theo báo The Daily Telegraph, đây sẽ là mục tiêu khó tránh nếu quan hệ 2 nước thêm xấu, đe dọa gây tổn thất đáng kể cho các trường đại học Úc.
Bình luận (0)