Theo giới chức Nhật Bản, các chuyên gia quân sự nước này tin rằng hải quân Nhật vẫn đang mạnh hơn hải quân Trung Quốc nhờ vượt trội về công nghệ và vũ khí nhưng cảnh báo khoảng cách đang dần bị thu hẹp. Năm 2013, Bắc Kinh đã tăng chi tiêu dành cho quân sự lên hơn 10%, đạt mức 119 tỉ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng con số thực tế có thể lên tới 200 tỉ USD.
Những con số này hẳn không thể khiến giới chức quân sự Nhật ăn ngon ngủ yên trong bối cảnh căng thẳng tại các khu vực tranh chấp ngày càng gia tăng. Hôm 25-11 vừa qua, Trung Quốc đã thông báo thiết lập Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Vùng ADIZ bao gồm cả quần đảo mà Trung Quốc và Nhật Bản đều nhận chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP
Trước sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó gay gắt nhất là từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu “hủy bỏ ngay lập tức khu vực ADIZ” theo yêu cầu của Nhật Bản. Trong khi đó, Lầu Năm Góc của Mỹ tuyên bố đã đưa 2 máy bay B-52 vào khu vực ADIZ hôm 25-11 mà không hề thông báo với Bắc Kinh. Việc Trung Quốc không xử lý tình huống này theo "các biện pháp quân sự khẩn cấp" như đã tuyên bố khi thiết lập ADIZ khiến giới phân tích nhận định rằng có thể Bắc Kinh còn chưa thực sự có ý định mở ra vùng ADIZ dù lên tiếng khẳng định đủ khả năng kiểm soát không phận nói trên.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Philippines ngày 27-11 tuyên bố việc Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh ra biển Đông để tập huấn hôm 26-11 sẽ gây căng thẳng trong khu vực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho rằng chuyến đi của tàu sân bay Trung Quốc sẽ làm tăng căng thẳng và vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc khẳng định đây là “một hoạt động bình thường trong lịch trình tập huấn của tàu sân bay”.
Bình luận (0)