Theo đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản yêu cầu tất cả 86 trường đại học do chính phủ hỗ trợ nộp kế hoạch tái cơ cấu vào cuối tháng 6 qua.
Cải cách trên là một phần nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đem lại sức sống mới cho nước Nhật, tiếp thêm động lực và sự sáng tạo vào nền kinh tế nước nhà.
Một trong những mục tiêu của ông Abe là trong tương lai không xa, 10 trường đại học của Nhật Bản sẽ lọt vào danh sách 100 ngôi trường hàng đầu thế giới. Theo bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (Anh), hiện chỉ có Trường ĐH Tokyo xếp ở vị trí thứ 23 và Trường ĐH Kyoto đứng thứ 59 trong danh sách này.
Báo Mỹ The Wall Street Journal cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật đã cắt giảm chương trình đào tạo riêng và trông chờ vào các trường đại học để lấp đầy sự thiếu hụt về nhân sự. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngày càng mang tính toàn cầu, nhiều doanh nghiệp muốn tìm kiếm lao động giỏi kỹ năng xã hội, tổ chức và làm việc theo nhóm.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang thiếu hụt người lao động lành nghề, làm dấy lên việc tranh cãi liên quan đến giá trị của các môn học truyền thống, chất lượng giảng dạy và sự “lệch pha” giữa kỳ vọng của sinh viên với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo các cuộc khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản, hơn 30% người tốt nghiệp đại học bỏ ngang công việc đầu tiên trong 3 năm đầu đi làm.
Trong nỗ lực giải bài toán khó nói trên, Trường ĐH Ehime ở miền Tây Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến chương trình đào tạo nghề cho sinh viên, tập trung đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp địa phương như du lịch, ngư nghiệp…
Giáo sư Katsushi Nishimura, người phụ trách điều chỉnh chương trình dạy của trường, nói các khóa học trong chương trình mới sẽ do một nhóm học giả và lãnh đạo doanh nghiệp vạch ra. Nhóm này còn đích thân chọn giảng viên với hy vọng đưa sinh viên “ra khỏi “tháp ngà” và lắng nghe thế giới thực”.
Bình luận (0)