Nhà máy Fukushima I
Cũng theo công ty này, việc ngăn chặn dòng nước chứa hàm lượng phóng xạ rò rỉ từ lò phản ứng số 2 ra Thái Bình Dương đã được thực hiện thành công hôm 6-4. Việc bịt chặt cửa lấy nước của lò này sẽ giúp giảm bớt sự lo ngại về môi trường của người dân cũng như cộng đồng quốc tế.
Hàm lượng phóng xạ I-131 đo được tại cửa lấy nước gấp 63.000 lần mức cho phép vào thời điểm một ngày sau khi thực hiện thành công việc ngăn chặn dòng nước chứa hàm lượng phóng xạ rò rỉ từ lò phản ứng số 2 ra Thái Bình Dương.
Trong nỗ lực ngăn chặn sự rò rỉ của nước phóng xạ cao, TEPCO cũng đã xả 9.000 tấn nước nhiễm phóng xạ thấp ra Thái Bình Dương.
Hoạt động này của Nhật Bản khiến hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc lên tiếng bày tỏ lo ngại.
Trung Quốc cho hay họ sẽ giám sát chặt hoạt động ứng cứu nhà máy của Nhật và yêu cầu Tokyo cung cấp thông tin nhanh, chính xác về cuộc khủng hoảng.
“Chúng tôi hi vọng Nhật sẽ hành động theo luật quốc tế và áp dụng các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường biển”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho hay.
Được biết, công tác xả nước nhiễm phóng xạ thấp ra biển của Nhật Bản sẽ kết thúc vào ngày 10-4, chậm hơn một ngày so với kế hoạch tuyên bố ban đầu. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc bày tỏ quan điểm.
Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp ở 12 khu vực của Nhật Bản, bao gồm lương thực, thực phẩm và thức ăn gia súc.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục xả nước và sẽ hoàn thành vào ngày mai”, ông Hidehiko Nishiyama, phó tổng giám đốc Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản, cho hay hôm 9-3.
Trước đó, TEPCO có kế hoạch kết thúc công cuộc xả nước phóng xạ thấp ra biển trong ngày hôm nay nhưng công tác này bị gián đoán do ảnh hưởng của trận dư chấn mạnh 7,1 độ Richter hôm 8-4. Theo thông tin mới nhất từ Kyodo, số người chết do cuộc dư chấn này đã lên tới 5 người và hơn 100 người khác bị thương.
Một người dân kiểm tra nguồn gốc rau tại một siêu thị ở Tokyo. Ảnh: AFP
TEPCO hiện đang phải gồng mình chống chọi với một thảm họa hạt nhân dự kiến có thể không thua kém gì vụ Chernobyl chấn động thế giới. Các kỹ sư tại Fukushima 1 cho hay họ vẫn chưa thể chế ngự được các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại và phải mất nhiều tháng để nhà máy trở lại ổn định và mất nhiều năm để giải quyết những hệ lụy của nó.
Công ty xây dựng lò phản ứng hạt nhân Toshiba đã đề xuất kế hoạch đóng cửa 4 lò phản ứng hạt nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, chính phủ cho rằng lúc này là quá sớm để đưa ra lộ lộ trình kết thúc khủng hoảng kiểu đó.
Hôm nay, một số người sống sót sau thảm họa kép ngày 11-3 bắt đầu chuyển vào ở những ngôi nhà tạm thời ở Rikuzentakata, tỉnh Iwate.
Theo Reuters, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch xây dựng 60.000 căn nhà tạm cho những người bị mất nhà cửa do trận động đất - sóng thần hôm 11-3, tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Những ngôi nhà tạm đầu tiên
Ngoài việc xây dựng mới, những ngôi nhà bị hư hỏng sau trận động đất cũng được khẩn trương sửa chữa. Dự kiến, 10.000 căn nhà tạm vào cuối tháng 6 sẽ được hoàn thành và số còn lại sẽ được xây xong trước cuối năm nay.
Theo tính toán ban đầu, một căn nhà tạm có chi phí trung bình gần 300.000 yên (tương đương 45.840 USD). Người dân ở những khu vực bị động đất tàn phá sẽ được ở miễn phí trong các căn nhà tạm này trong 2 năm và chỉ phải thanh toán tiền nước máy, tiền điện.
Số người thiệt mạng và mất tích sau trận siêu động đất và sóng thần Nhật Bản hôm 11-3 đã lên tới 28.000. Ngoài ra, 6 lò phản ứng hạt nhân hư hại nặng. Thêm vào đó, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này đang lâm vào một tình trạng hết sức nguy hiểm.
Bình luận (0)