Theo nghiên cứu được công bố ngày 24-1 trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters, "viên đá mặt trăng" có lẽ đã rơi xuống vệ tinh của Trái Đất khoảng 4 tỉ năm về trước sau một vụ va chạm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng một ngôi sao chổi lớn hoặc một tiểu hành tinh đã va vào Trái Đất, khiến một viên đá bắn tung lên trời và trôi ra ngoài vũ trụ. Nó có thể hạ cánh một cách thần kỳ xuống mặt trăng vì khi đó mặt trăng gần Trái Đất gấp 3 lần so với hiện nay.
Viên đá có thành phần cấu tạo gồm thạch anh, tràng thạch và zircon, những khoáng vật phổ biến trên Trái Đất nhưng hiếm gặp ở mặt trăng. Sau khi phân tích, các nhà khoa học tiết lộ viên đá hình thành trong nhiệt độ và môi trường giống Trái Đất với khí oxy. Nó kết tinh vào khoảng 4 đến 4,1 tỉ năm về trước ở độ sâu gần 20 km, vào giai đoạn Trái Đất còn "trẻ".
Viên đá cổ xưa nhất Trái Đất được tìm thấy trên Mặt trăng. Ảnh: David Kring
Nếu được kết tinh trên Mặt trăng, viên đá sẽ có nhiệt độ hình thành khác so với ở Trái Đất. Ngoài ra, nó cũng cực kỳ khác biệt so với những mẫu vật khác từ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
Tuy nhiên, nếu viên đá hình thành sâu bên dưới lòng đất, làm sao nó có thể bị bắn tung lên đến mặt trăng? Các nhà nghiên cứu tin rằng một hoặc một số vụ va chạm vào bề mặt Trái Đất đã khiến viên đá lộ ra từ trước và cuối cùng bị bắn tung lên mặt trăng. Vào thời điểm đó, những va chạm từ tiểu hành tinh có thể tạo ra những chiếc hố rộng hàng trăm km.
Trên mặt trăng, viên đá nằm lẫn vào những vật chất khác. Phân tích mới cho thấy viên đá có thể đã bị va chạm và cuối cùng tan chảy một phần vào 3,9 tỉ năm trước, chìm vào dưới bề mặt của Mặt trăng và hình thành một viên đá "mới". 26 triệu năm trước, một tiểu hành tinh va vào mặt trăng và tạo ra hố Cone rộng 0,3 km. Điều này lại đưa viên đá lộ ra trên bề mặt của mặt trăng và được các phi hành gia của tàu Apollo 14 vô tình thu nhặt.
Ông David Kring, thành viên tại Trung tâm Khoa học và Khám phá Mặt trăng, tin rằng nhiều viên đá Trái Đất khác có thể tiếp tục được tìm thấy trên mặt trăng. Ông cũng dự đoán rằng một số nhà địa chất sẽ không chấp nhận khám phá trên vì nó có vẻ gây tranh cãi.
Tuy nhiên, ông Kring cho rằng việc một số viên đá Trái Đất văng lên Mặt trăng là điều khả thi vì khi Trái Đất hình thành 4,6 tỉ năm trước, nó thường xuyên bị va chạm trong Liên đại Hỏa thành. Liên đại Hỏa thành hay liên đại Thái Viễn cổ hoặc liên đại Minh cổ (Hadean) là một liên đại địa chất trải dài từ khi bắt đầu hình thành Trái Đất và kết thúc vào khoảng 3.800 triệu năm trước. Đây là thời kỳ xảy ra các hoạt động địa chất sôi sục của Trái Đất.
Bình luận (0)