Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hôm 19-7 công khai chỉ trích Seoul trong cuộc tranh cãi leo thang về vấn đề bồi thường cho người Hàn Quốc bị Tokyo cưỡng ép lao động trong thời chiến.
"Những gì chính phủ Hàn Quốc đang làm không khác gì phá vỡ trật tự quốc tế thời hậu Thế chiến II" - ông Kono phát biểu tại cuộc gặp Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan-pyo. Đáp lại, ông Nam cho biết Hàn Quốc đang nỗ lực tạo ra một môi trường trong đó các vụ kiện có thể được xử lý theo cách thức được cả hai bên chấp nhận và không gây tổn hại đến quan hệ song phương.
Ông Nam cho biết thêm Seoul đã đề xuất kế hoạch giải quyết vấn đề nhưng Bộ trưởng Kono đã ngắt lời và khẳng định đề xuất của Hàn Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận.
Theo hãng tin Reuters, không quan chức nào cung cấp chi tiết về đề xuất nhưng Tokyo vào tháng rồi đã bác đề nghị của Seoul về việc lập một quỹ chung để bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc. Sau đó, đến lượt Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cuối ngày 18-7 nói không với lời kêu gọi của Nhật Bản về việc lập một ủy ban trọng tài có sự tham gia của một nước thứ ba nhằm giải quyết vụ việc, dẫn đến động thái triệu Đại sứ Nam Gwan-pyo tới để phản đối của Bộ trưởng Kono. Ngoài ra, Nhật Bản đang cân nhắc đưa tranh cãi này ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono (bìa trái) và Đại sứ Hàn Quốc Nam Gwan-pyo (bìa phải) tại cuộc gặp hôm 19-7Ảnh: Reuters
Quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ này căng thẳng trở lại sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào năm ngoái ra phán quyết buộc hai công ty Nhật bồi thường cho những người Hàn Quốc bị ép làm việc cho họ trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (giai đoạn 1910-1945). Tokyo cho đến giờ vẫn giữ lập trường rằng vấn đề này đã được giải quyết theo hiệp ước bình thường hóa quan hệ hai nước được ký năm 1965.
Dù vậy, không phải người Hàn Quốc nào cũng chấp nhận quên đi những gì xảy ra trong quá khứ. Hôm 19-7, một người đàn ông họ Kim đã thiệt mạng sau khi châm lửa tự thiêu trong xe hơi đậu trước đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Seoul. Truyền thông địa phương đưa tin bố vợ của cụ ông 78 tuổi này từng bị ép làm lao động khổ sai trong giai đoạn nói trên.
Ngoài ra, nhiều người Hàn Quốc đang tẩy chay sản phẩm và dịch vụ Nhật Bản cũng như hủy kế hoạch đến nước này du lịch.
Tranh cãi về lịch sử thời chiến đã lan sang lĩnh vực thương mại khi Toyko đã hạn chế xuất khẩu sang Seoul một số vật liệu công nghệ cao dùng để sản xuất chip nhớ và màn hình trong lúc xem xét đưa Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được xem là thị trường xuất khẩu đáng tin cậy vì lý do an ninh.
Tuy nhiên, theo Reuters, Nhật Bản khẳng định 2 vấn đề này không có liên hệ gì với nhau. Thay vào đó, Tokyo nhấn mạnh họ có bước đi trên do Seoul "quản lý kém"các vật liệu nhạy cảm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo truyền thông Nhật Bản, một số vật liệu trong số đó đã đến tay Triều Tiên.
Hàn Quốc dĩ nhiên đã bác bỏ cáo buộc trên và gọi hành động của Nhật Bản đã vi phạm luật quốc tế. Seoul còn cho rằng chính Tokyo không thực thi nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Dù vậy, trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, Bộ Thương mại Hàn Quốc hôm 19-7 thúc giục Nhật Bản đồng ý tiến hành một vòng đàm phán mới về vấn đề siết chặt xuất khẩu đang bị xem là đe dọa đến chuỗi cung ứng chip và màn hình điện thoại thông minh toàn cầu.
Các quan chức hai nước đã gặp nhau vào tuần rồi nhưng không tìm được tiếng nói chung, khiến bất đồng thêm nghiêm trọng.
Bình luận (0)