Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 24-10 tiến hành cuộc gặp cấp cao nhất trong vòng 13 tháng qua sau khi quan hệ 2 nước xấu đi vì những tranh cãi về lịch sử và thương mại.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đến thủ đô Tokyo dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito trước khi được Thủ tướng Abe Shinzo của nước chủ nhà đón tiếp. Theo hãng tin Reuters, 2 nhà lãnh đạo này nhất trí rằng quan hệ song phương cần phải được cải thiện và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác với Mỹ. Theo ông Abe Shinzo, sự hợp tác giữa 3 nước này là cần thiết trong bối cảnh họ đối mặt mối đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phía Seoul cần có bước đi đầu tiên và cần giữ lời hứa nếu muốn quan hệ song phương được khôi phục. Reuters cho rằng nhà lãnh đạo Nhật có ý nhắc đến hiệp ước được 2 nước ký kết năm 1965.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Lee đã trao cho nhà lãnh đạo Nhật Bản bức thư của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trong đó chúc mừng Nhật Bản bước vào thời đại Lệnh Hòa (Reiwa) và bày tỏ mong muốn quan hệ 2 nước được cải thiện. Dù vậy, trong diễn biến cho thấy 2 bên vẫn còn khoảng cách, ông Lee nói với ông Abe rằng Hàn Quốc lâu nay vẫn tôn trọng, tuân thủ hiệp ước 1965 và sẽ tiếp tục làm thế.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (phải) và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon tại cuộc gặp hôm 24-10 Ảnh: Reuters
Cuộc gặp dường như không đạt được kết quả đột phá ngoại trừ thỏa thuận tiếp tục đối thoại. Ngoài ra, không có thông tin về kế hoạch tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Abe Shinzo và Tổng thống Moon Jae-in. Dù vậy, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đánh giá cuộc gặp trên rất có ý nghĩa khi 2 bên trao đổi quan điểm và tái trấn an lẫn nhau rằng nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương vẫn đang diễn ra.
Mối quan hệ giữa 2 đồng minh của Mỹ này trở nên căng thẳng sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 10-2018 ra phán quyết buộc một số công ty Nhật Bản bồi thường cho những người Hàn Quốc bị ép buộc làm việc thời kỳ chiến tranh. Nhật Bản cho biết vấn đề này đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965, theo đó Tokyo cung cấp cho Seoul khoản viện trợ kinh tế trị giá 300 triệu USD và các khoản cho vay trị giá 500 triệu USD.
Tranh cãi giữa 2 nước sau đó lan sang những vấn đề thương mại và an ninh. Tình hình càng thêm xấu sau khi Nhật Bản hồi tháng 7-2019 siết chặt các quy định xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc các loại nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình. Tokyo nói biện pháp này là vì lý do an ninh nhưng Seoul xem đây là hành động trả đũa phán quyết trên. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy với lý do hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Seoul đối với các sản phẩm nhạy cảm tỏ ra lỏng lẻo. Sau khi chỉ trích mạnh mẽ các bước đi này, Hàn Quốc hồi tháng 8 thông báo chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản khi nó dự kiến hết hạn vào tháng tới, dẫn đến phản ứng lo ngại của Mỹ.
Hàn Quốc và Nhật Bản đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nhau. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, cả 2 nước đều khó tránh bị tổn thương trong cuộc đối đầu hiện nay. Xuất khẩu Hàn Quốc dự kiến tiếp tục sụt giảm trong tháng 10 - tháng thứ 11 con số này sụt giảm. Trong khi đó, số lượng người Hàn Quốc đến Nhật Bản du lịch trong tháng 9 đã giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tình hình ảm đạm hiện nay không có lợi cho 2 nước" - ông Kak Soo Shin, Đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản trong giai đoạn 2011-2013, nhận định.
Bình luận (0)