Mọi thứ bên trong phòng mổ Hyper SCOT này, từ màn hình máy tính, cánh tay robot cho đến kính hiển vi, bộ cảm biến…, đều được kết nối internet để giúp ích cho bác sĩ trong quá trình phẫu thuật. Bằng cách thu thập và tích hợp đủ loại thông tin - như dữ liệu cơ bản từ thiết bị y tế, hình ảnh chụp lại ca mổ, thông tin sinh học của bệnh nhân…, Hyper SCOT được kỳ vọng sẽ giúp tiến trình phẫu thuật chính xác và an toàn hơn.
Việc tiếp cận mọi thông tin thu thập được còn giúp theo dõi tình trạng bệnh nhân và hoạt động của thiết bị. Ngoài ra, tất cả thông tin này được lưu trữ trong một cơ sở dữ liệu để đem ra phân tích trong trường hợp có sai sót. Quá trình thử nghiệm Hyper SCOT tại Trường ĐH Y Phụ nữ Tokyo dự kiến kết thúc vào tháng 3-2019 và mục tiêu đề ra là đến mùa hè cùng năm sẽ đưa phòng mổ này vào sử dụng.
Phòng mổ thông minh hứa hẹn thúc đẩy sự ra đời của “Y học 4.0”, được phát triển dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến, theo GS Yoshihiro Muragaki, người đứng đầu dự án nêu trên tại Trường ĐH Y Phụ nữ Tokyo. Ngoài ra, Tổ chức Phát triển Công nghệ Năng lượng và Công nghiệp mới (NEDO) của Nhật Bản cho biết mục tiêu của dự án là phát triển được loại thiết bị y tế chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Bình luận (0)