xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhật sẽ kiện Trung Quốc?

HUỆ BÌNH

Những hành động leo thang ở biển Đông của Trung Quốc sẽ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến luật pháp quốc tế

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản hôm 16-3 kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe theo chân Philippines trong việc kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trái phép ở biển Hoa Đông.

Hoa Đông nóng vì khí đốt

Bên cạnh đó, nghị quyết của LDP cũng đề nghị Tokyo kiên quyết yêu cầu Bắc Kinh mau chóng nối lại đàm phán về vấn đề khai thác dầu khí. “Nếu Trung Quốc thờ ơ, cần phải có hành động nào đó. Mọi người đều đồng ý rằng chúng ta không nên né tránh đưa vấn đề này lên tòa án trọng tài quốc tế và do đó, cần có sự chuẩn bị” - nghị sĩ Yoshiaki Harada, người đứng đầu một ủy ban của LDP về phát triển nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông, nói trước báo giới. Hãng tin Reuters cho biết vẫn chưa có cuộc đối thoại song phương nào về phát triển nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông trong những năm gần đây mặc dù Tokyo liên tục kêu gọi.

 

Nhật Bản phản đối hành vi đơn phương khai thác khí đốt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông Ảnh: AP
Nhật Bản phản đối hành vi đơn phương khai thác khí đốt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông Ảnh: AP

Những hành vi của Trung Quốc ở biển Đông cũng khiến Nhật Bản lo ngại. Hôm 15-3, Bộ Ngoại giao Nhật đăng tải lên mạng một đoạn video nêu bật những hành động sai trái gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông cũng như đề cập những biện pháp của Tokyo nhằm giúp các nước Đông Nam Á cải thiện khả năng bảo vệ an ninh hàng hải. Đoạn băng mở đầu bằng hình ảnh những hoạt động bồi lấn, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở biển Đông.

“Trong khi cộng đồng quốc tế lo ngại về âm mưu đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ các nước nâng cao khả năng bảo vệ hàng hải bằng cách kết hợp giữa hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), hợp tác về thiết bị quốc phòng và xây dựng năng lực, đồng thời kêu gọi tuân thủ nghiêm ngặt luật biển” - giọng thuyết minh trong đoạn video cho biết.

Đe dọa đến kinh tế toàn cầu

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), Đô đốc Scott Swift, ngày 16-3 cảnh báo kinh tế toàn cầu và luật pháp quốc tế có nguy cơ bị tổn hại nếu sự tự do đi lại ở biển Đông bị cản trở. Dù vậy, phát biểu tại một hội nghị ở thủ đô Canberra - Úc, ông Swift trấn an dư luận rằng Washington không hề nghĩ họ sẽ mất đi sự tiếp cận đối với vùng biển mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền ở biển Đông.

Tờ The Washington Post nhận định chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hướng đến một cuộc đối đầu nguy hiểm với Trung Quốc trên biển Đông sau khi Bắc Kinh có một loạt động thái quân sự hóa biển Đông. Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ, cho rằng hướng đi khôn ngoan nhất của Mỹ trong thời gian tới là làm việc với các nước Đông Nam Á. “Chúng ta cần cho giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng nếu họ tiếp tục con đường đang đi, họ có nguy cơ khiến mối quan hệ song phương trở nên tiêu cực” - ông Campbell giải thích.

Không chỉ đe dọa quan hệ Mỹ - Trung, căng thẳng leo thang ở biển Đông đang là thách thức không nhỏ đối với quan hệ liên minh chiến lược giữa Mỹ và Úc, theo Tư lệnh Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) Leo Davies hôm 15-3. Vì thế, ông Davies cho rằng sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Úc là một “diễn tiến tự nhiên” để đối phó thách thức trên. Tư lệnh Davies nói thêm Úc đã thảo luận với các nước khu vực (trong đó có Việt Nam, Singapore và Philippines) để bảo đảm duy trì hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông trước sự bành trướng của Trung Quốc ở đó.

Trong bước đi mới nhất phơi bày tham vọng độc chiếm biển Đông, Trung Quốc hôm 16-3 tuyên bố thành lập một trung tâm cảnh báo sóng thần trên biển Đông nhưng không nói rõ vị trí của nó. Theo Reuters, Bắc Kinh có thể sử dụng cơ sở mới này để củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở biển Đông. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ lo ngại và kêu gọi Argentina điều tra vụ lực lượng tuần duyên bờ biển nước này bắn chìm một tàu cá Trung Quốc. Tàu này bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Argentina hôm 14-3.

Sẽ không hạ cánh cứng?

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Trung Quốc khóa XII bế mạc hôm 16-3, trong đó thông qua dự thảo Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13. Theo văn kiện này, Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% - 7%/năm từ giờ đến năm 2020. Các biện pháp chính được đưa ra là giảm nợ, kiện toàn doanh nghiệp nhà nước và cải cách thị trường tài chính.

Tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết kinh tế nước này vẫn đang được theo dõi chặt chẽ giữa lúc tốc độ tăng trưởng chậm lại cùng những biến động của thị trường. Theo đài BBC, bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách, ông Lý thừa nhận khó tránh khỏi tình trạng cắt giảm việc làm khi các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong 2 ngành công nghiệp thép và than đá, được cải tổ.

Về sự bất ổn của thị trường chứng khoán, ông Lý hầu như không đề cập những nguyên nhân thật sự (như khủng hoảng niềm tin và sự can thiệp mạnh tay của chính phủ). Thay vào đó, ông nói Bắc Kinh vẫn đang tìm cách cải cách các thị trường tài chính và tăng cường sử dụng đồng nội tệ. Chẳng hạn, Trung Quốc có kế hoạch liên kết hoạt động giao dịch chứng khoán giữa TP Thâm Quyến và Hồng Kông trong năm nay, mở rộng chương trình hiện nay giữa TP Thượng Hải và đặc khu tài chính này. Ngoài ra, Bắc Kinh định áp đặt một loại thuế với hy vọng ngăn được nạn đầu cơ quá mức nhằm đối phó những biến động thất thường của đồng nhân dân tệ và dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường.

Bất chấp những vấn đề trên, Thủ tướng Lý tự tin cho biết nền kinh tế thứ 2 thế giới “sẽ không hạ cánh cứng” (thuật ngữ phản ánh một nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp và sau đó là suy thoái). Đài BBC nhận định những phát biểu lạc quan nói trên nhằm tái trấn an dư luận giữa lúc kinh tế Trung Quốc năm 2015 tăng trưởng chậm nhất trong 25 năm qua.

Xuân Mai

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo