Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 diễn ra ngày 4-7 tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu.
Hội nghị rà soát tổng thể tình hình thực hiện Chiến lược Tokyo 2012 trong 3 năm qua, thảo luận về định hướng hợp tác trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong 3 trụ cột hợp tác, đặc biệt trong phát triển hạ tầng cơ sở nhằm kết nối khu vực, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các nước Mekong; bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai; giao lưu nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (bìa phải) trong cuộc họp báo ngày 4-7 tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 Ảnh: REUTERS
Tại hội nghị, Nhật Bản cam kết cung cấp một khoản viện trợ mới trị giá 750 tỉ yen (tức khoảng 6,1 tỉ USD) dưới dạng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho 5 nước Mekong trong 3 năm tới, tiếp nối khoản cho vay 600 tỉ yen (4,9 tỉ USD) của giai đoạn 2012-2015. Theo Reuters, khoản viện trợ mới được công bố giữa lúc Trung Quốc vừa khởi động Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), được xem là thách thức ảnh hưởng của Tokyo và Washington trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thông qua Chiến lược Tokyo 2015 với mục tiêu bao trùm cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2016-2018 là bảo đảm ổn định khu vực và đạt “tăng trưởng chất lượng” tại Tiểu vùng Mekong. Để đạt mục tiêu “tăng trưởng chất lượng”, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích rõ 3 nội dung chính cần chú trọng. Đó là hỗ trợ các nước Mekong xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc để tăng trưởng ổn định và ứng phó hiệu quả với các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài; bảo đảm sự hài hòa và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong; bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển.
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo tại biển Đông đang diễn biến phức tạp, những hoạt động bồi đắp quy mô lớn đã làm thay đổi căn bản nguyên trạng cấu trúc của nhiều đảo, đá và bãi ngầm, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm giảm lòng tin và gia tăng căng thẳng khu vực. Những hành động này đã gây quan ngại sâu sắc, khiến không chỉ các nước thành viên ASEAN, khu vực mà còn nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới phải lên tiếng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông là nguyện vọng, là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Liên quan đến tình hình biển Đông, phái đoàn của Philippines đã chuẩn bị kỹ càng cho các cuộc tranh luận trong vụ kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 80% biển Đông trước Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan từ ngày 7 đến 11-7. Trang Inquirer.net của Philippines nhận định kết quả cuộc tranh luận sẽ quyết định liệu 2 nước có thể thảo luận nhằm tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông hay không.
Tại cuộc tranh luận sắp tới, nhóm pháp lý của Philippines do luật sư trưởng Florin Hilbay dẫn đầu sẽ lập luận rằng PCA có quyền tài phán đối với vụ kiện này. Abigail Valte - người phát ngôn của Tổng thống Philippines - ngày 4-7 cho hay Manila hy vọng PCA sẽ ra phán quyết có lợi cho nước này.
Cùng ngày, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, ủng hộ Nhật Bản có vai trò và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn cùng hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ giữa 2 nước phát triển ngày càng toàn diện, hiệu quả và thực chất. Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam về hạ tầng cả chất lượng và số lượng, hướng đến phát triển hạ tầng chất lượng cao, cam kết dành nguồn vốn ODA ở mức cao giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Bình luận (0)