Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn được báo The Wall Street Journal (Mỹ) đăng tải hôm 26-5, ông Abe nhận định việc làm sai trái nêu trên của Bắc Kinh đã làm gia tăng căng thẳng, đồng thời tuyên bố “không bao giờ chấp nhận hành động thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ hy vọng đẩy nhanh quá trình hỗ trợ hàng hải cho Việt Nam thông qua cung cấp tàu tuần tra.
Thời gian qua, Thủ tướng Abe liên tục đưa ra các tuyên bố ủng hộ Philippines và Việt Nam trong vụ căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông, xem việc này có sự tương đồng với tranh chấp Nhật - Trung trên biển Hoa Đông.
Nội dung phỏng vấn được đăng tải một ngày sau khi Tokyo chỉ trích Bắc Kinh cho máy bay mang tên lửa áp sát máy bay Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước những khiêu khích của Trung Quốc ở cả biển Đông và Hoa Đông, chính quyền ông Abe cho biết không còn lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn để đáp trả.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal mới đây Ảnh:
The Wall Street Journal
Kể từ khi tái nắm quyền vào tháng 12-2012, ông Abe đã nỗ lực thay đổi hình ảnh của một Nhật Bản từng bị xem là có nền ngoại giao thụ động và chỉ được biết đến với tư cách đồng minh của Mỹ. Trước mắt, ông đang tìm cách chỉnh sửa hiến pháp hòa bình nhằm mở đường cho quân đội đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Với đường lối này, ông Abe sẽ là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á - còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD), diễn ra ở Singapore từ ngày 30-5 đến 1-6. Theo Kyodo, trong bài diễn văn đọc tại hội nghị, ông Abe dự định bày tỏ lo ngại về nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực của Trung Quốc, đồng thời thúc giục Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế. Mặt khác, ông Abe mong muốn thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải với ASEAN.
Biển Đông dự kiến cũng là vấn đề được quan tâm khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 27-5. Báo South China Morning Post (Hồng Kông) nhận định Bắc Kinh có thể tận dụng dịp này để thuyết phục Kuala Lumpur không đứng về phía Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, do Malaysia sẽ trở thành chủ tịch ASEAN vào năm tới nên Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội lôi kéo. ASEAN đang thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và Bắc Kinh lo ngại khối này sẽ đoàn kết để chống lại mình và ngả về phía Mỹ.
Tuy nhiên, không dễ để Trung Quốc thực hiện ý đồ nêu trên. Malaysia đang bất bình trước việc tàu hải quân Trung Quốc xâm phạm vùng biển quanh bãi cạn James, cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia 80 km hồi đầu năm nay. Mặt khác, Kuala Lumpur có thể bị các nước láng giềng chỉ trích nếu quá thân mật với Bắc Kinh.
Bắc Kinh “chơi trò chơi nguy hiểm”
Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa cảnh báo Trung Quốc có thể lặp lại chiến thuật thăm dò dầu tại vùng biển gần bờ biển nước này sau khi quấy nhiễu Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo Financial Times (Anh) hôm 26-5, ông Aquino cho biết đã nhận được báo cáo về việc gần đây, tàu nghiên cứu Trung Quốc đến gần mỏ dầu Galoc, nằm cách bờ biển đảo Palawan 60 hải lý.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng chỉ trích Bắc Kinh đang “chơi trò chơi nguy hiểm” và thực hiện “chính sách ngoại giao pháo hạm” có thể vượt tầm kiểm soát. Ông Aquino thúc giục ASEAN có “tiếng nói mạnh mẽ và rõ ràng” về cách thức giải quyết những tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)