Tại cuộc họp, các quan chức cấp cao hai bên đã thảo luận việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, một văn bản quan trọng ký giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hợp tác xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Cuộc họp SOM ASEAN - Trung Quốc đã thông qua trên nguyên tắc dự thảo Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC để đệ trình Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc. Các nước tham gia cuộc họp đánh giá đây là một kết quả và sự khởi đầu có ý nghĩa vì mục tiêu thúc đẩy thực hiện hiệu quả DOC.
Sau đó, theo hãng tin Reuters, phát biểu với các nhà báo, ông Lưu Chấn Dân khẳng định: “Tại cuộc họp, các quan chức cấp cao các quốc gia ASEAN và Trung Quốc cách đây ít phút, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về các hướng dẫn thực hiện DOC. Đây là văn kiện có tính chất quan trọng đối với sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”.
Đây là tín hiệu hợp tác hiếm hoi trong cuộc tranh cãi vốn đã làm xấu đi các mối quan hệ trong khu vực nhiều năm nay. Thế nhưng, theo báo International Business Times (Mỹ), một hiệp ước rõ ràng hơn quy định nước nào sở hữu gì trong vùng biển được cho là nhiều dầu mỏ và khí đốt này vẫn còn xa vời như trước đây.
Trong khi đó, theo các quan chức Indonesia, các bản dự thảo trước đây đã tạo ra tiền đề cho các quy định trong tương lai về việc bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, an toàn hàng hải và viễn thông, tìm kiếm và cứu nạn cũng như đương đầu với tội phạm xuyên quốc gia. Bản dự thảo được nhất trí kể trên chưa được công bố và hiện vẫn chưa rõ nó có chứa đựng vấn đề nào trong số các vấn đề vừa nêu hay không.
Nhật Bản quan tâm đến an ninh hàng hải
5 nghị sĩ Philippines thăm đảo tranh chấp ở biển Đông
Cùng ngày, một nhóm 5 nghị sĩ và các phóng viên Philippines đã đến thăm một hòn đảo đang tranh chấp ở biển Đông. Theo đài BBC (Anh), phái đoàn này đã đặt chân lên đảo Pag-asa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ), nơi có khoảng 300 người Philippines sinh sống. Nghị sĩ Walden Bello, người đứng đầu phái đoàn, cho biết chuyến đi nhằm khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo này. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cảnh báo rằng chuyến đi nói trên “có thể gây hại cho hòa bình, sự ổn định trong khu vực và mối quan hệ giữa hai nước”. Đảo thị tứ thuộc quần đảo Trường Sa là hòn đảo đã được Việt Nam khẳng định chủ quyền từ lâu. H.Phương |
Bình luận (0)