Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yukio Edano cho biết các nhà lãnh đạo nước này và các chuyên gia hạt nhân đang thảo luận từng giải pháp có thể thực hiện để hạn chế phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi, trong đó có những biện pháp được báo chí đề cập. Bên cạnh đó, báo Asahi Shimbun cũng khẳng định Chính phủ Nhật đưa ra nhiều sự lựa chọn để xem xét thực hiện.
Nhật hoàng Akihito (bìa trái) và Hoàng hậu Michiko đến thăm một trung tâm tạm cư ở Tokyo ngày 30-3. Ảnh: REUTERS
Trích dẫn lời các quan chức chính phủ (giấu tên), tờ báo trên nêu ra khả năng che đậy một loại vải đặc biệt lên mái và tường tòa nhà chứa các lò phản ứng 1, 3 và 4 – vốn đã bị hủy hoại do một loạt vụ nổ khí hydro. Tờ báo không xác định loại chất liệu có thể được sử dụng để có thể hạn chế phóng xạ. Tuy nhiên, nhà chức trách đang xem xét lắp đặt các bộ thông gió bên trong các lò phản ứng để xua tan các chất khí tích tụ và ngăn chặn những vụ nổ khác nữa. Theo hãng tin AFP, Chính phủ Nhật không xác nhận bản tin nêu trên.
Một kế hoạch khác đang được xem xét là neo đậu một chiếc tàu chở dầu trống không ở vùng biển gần lò phản ứng số 2 để công nhân bơm nước nhiễm xạ vào bồn chứa trên tàu. Tại lò này, nước nhiễm xạ cao độ đã tràn ngập tầng hầm của tòa nhà chứa tuốc-bin và một đường hầm.
Hãng tin AP nhận định để bảo đảm an toàn cho các công nhân, cần phải bơm nước nhiễm xạ ra ngoài trước khi điện được phục hồi và các hệ thống làm mát được nối điện. Do vậy, giới chức Nhật phải lo xử trí vấn đề với 2 nỗ lực quan trọng nhưng trái ngược nhau: Bơm nước vào để làm mát các thanh nhiên liệu và bơm nước nhiễm xạ ra ngoài để cho vào các bồn chứa.
Bên cạnh đó, ông Edano đề nghị rằng tất cả mọi lò phản ứng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi cần phải được phá bỏ. Trước đó, ông Tsunehisa Katsumata – Chủ tịch Công ty Điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy – phát biểu tại một cuộc họp báo: “Chúng tôi không có sự chọn lựa nào ngoài việc phá bỏ các lò phản ứng 1,2,3 và 4”.
Trong khi đó, nước Nhật đang mời các chuyên gia nước ngoài đến giúp ổn định nhà máy hạt nhân ở tỉnh Fukushima. Theo hãng tin Reuters, Pháp và Mỹ sẽ giúp đỡ Nhật trong trận chiến ngăn chặn phóng xạ từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, hiện giữ chức Chủ tịch Các nhóm G20 và G8, có kế hoạch đến thăm Tokyo vào ngày 31-3. Như vậy, ông Sarkozy sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến Nhật kể từ khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Pháp là nước đứng đầu toàn cầu về ngành công nghiệp điện hạt nhân. Khoảng 78% lượng điện ở nước này được sản xuất từ các lò phản ứng hạt nhân. Vì vậy, Pháp rất quan tâm đến việc giúp đỡ Nhật Bản vượt qua thảm họa hạt nhân ở Fukushima.
Chính phủ Mỹ đang gửi robot đến Nhật để giúp nước này có thể kiểm soát được nhà máy hạt nhân bị hư hại do sóng thần. Loại robot trên có thể hoạt động ở những khu vực có mức độ phóng xạ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Ngoài ra, theo ông Peter Lyons, quyền trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, nước này cũng cử các nhân viên vận hành robot đến và các chuyên gia này sẽ huấn luyện nhân viên người Nhật. Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã cử khoảng 40 nhân viên và khoảng 7, 6 tấn trang thiết bị đến Nhật.
Bình luận (0)