Theo PGS-TS Mai Trọng Khoa, khi xảy ra sự cố hạt nhân, sẽ có nhiều chất phóng xạ, khí phóng xạ bay lên không trung, lan truyền trong không khí khiến con người hít phải.
Ngoài ra, khí phóng xạ bay lên cao có thể gặp mây, mưa sẽ rơi xuống ngấm vào nước, đất. Khi con người ăn phải các thực phẩm rau, củ quả, nước... nhiễm xạ thì cũng nhiễm xạ theo.
Có nhiều đồng vị phóng xạ phát tán ra không trung khi có sự cố hạt nhân, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến I-ốt phóng xạ, cụ thể là I 131, Cs 137.
Kiểm tra phóng xạ cho người dân gần nhà máy Fukushima 1
- Nếu chẳng may bị nhiễm I-ốt phóng xạ, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
PGS-TS Mai Trọng Khoa: Khi con người nhiễm I 131, nó sẽ tập trung chủ yếu ở tuyến giáp và thường dẫn đến nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư tuyến giáp.
Ở Việt Nam cũng đã phát hiện được I 131 trong không khí nhưng các cơ quan chức năng đã khẳng định hàm lượng rất thấp, chưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
- Sự cố nhà máy Fukushima 1 có ảnh hưởng tới sức khỏe người Việt Nam?
Các cơ sở y tế thời gian gần đây liên tiếp tiếp nhận người dân đến kiểm tra sức khỏe tự nguyện, nhất là những người mới trở về từ Nhật Bản.
Chúng tôi đã thăm khám bằng cách rà soát sự ô nhiễm phóng xạ trên quần áo, đồ đạc của người tới khám nhưng chưa phát hiện thấy phóng xạ ở những đối tượng này. Tới thời điểm này, người dân Việt Nam vẫn an toàn với phóng xạ.
- Với mức độ xạ như hiện nay, Việt Nam có cần triển khai biện pháp nào không?
Trong môi trường bình thường chúng ta sống vẫn tồn tại bức xạ tự nhiên từ vũ trụ, không khí, đất, nước, gọi là phông phóng xạ tự nhiên, không ảnh hưởng tới sự sống con người.
Với mức độ phóng xạ ở Việt Nam hiện nay, chưa cần có phản ứng quá mức nhưng cũng không nên thờ ơ, cần cập nhật thông tin liên tục từ cơ quan chức năng, từ Nhật Bản để kịp thời phòng ngừa cho người dân.
Mây phóng xạ tiếp tục phát tán ở Đông Nam Á
Ngày 1-4, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho đám mây phóng xạ chính từ Nhật Bản có xu hướng tiếp tục lan rộng về phía khu vực Đông Nam Á song có đến Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu.
Theo hình ảnh đám mây phóng xạ được tính toán cho các ngày 1 và ngày 2- 4 tại khu vực Đông Nam Á, đám mây chính tiếp tục có xu hướng bị chia nhỏ và bay tản mạn trong khu vực giữa Phillipines, Indonesia, Malaysia, Lào, Champhuchia và Việt Nam
Mô phỏng mây phóng xạ tại Đông Nam Á
Cũng theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nồng độ hạt nhân phóng xạ ghi nhận được cao nhất tại trạm JPP38 đặt gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, tiếp đến là các trạm do Hoa Kỳ quản lý trên biển Thái Bình Dương.
Các trạm nằm trong lục địa Bắc Mỹ và Canada cũng có nồng độ hạt nhân phóng xạ khá cao do thuận chiều gió từ Nhật Bản, tuy nhiên còn thấp hơn mức cho phép hàng chục nghìn lần.
Các trạm quan trắc tại Châu Âu và Châu Á cũng phát hiện được hạt nhân phóng xạ, nhưng nồng độ thấp hơn nhiều.
“Nếu các lò phản ứng tại Nhật Bản không còn rò rỉ phóng xạ, thì các ngày sắp tới nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm do quá trình phân tán trong khí quyển cũng như quá trình rơi lắng tự nhiên. Bản thân các hạt nhân phóng xạ cũng tự phân rã theo thời gian” - báo cáo nêu rõ.
N.Quyết |
Bình luận (0)