Nhật Bản có thể bắt đầu cân nhắc việc tìm kiếm khả năng tấn công phủ đầu cho quân đội trong bối cảnh môi trường an ninh ở Đông Á đang có nhiều thay đổi. Đề xuất trên là một phần của việc xem xét lại chính sách quốc phòng mà chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tiến hành.
Tăng cường khả năng bảo vệ biển đảo
Một báo cáo sơ bộ về vấn đề này dự kiến được Bộ Quốc phòng công bố trong ngày 26-7. Kết luận cuối cùng về việc xem xét này dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Ngoài ra, Thủ tướng Abe còn có ý định chỉnh sửa hiến pháp để cho phép nước này có quyền phòng vệ chung, cũng như nâng cấp lực lượng phòng vệ (SDF) thành quân đội chính quy.
Báo Asahi dẫn nội dung báo cáo cho biết Nhật Bản đặc biệt lo ngại trước sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Chính vì thế, báo cáo cho biết Nhật Bản sẽ bắt đầu thảo luận về việc trang bị khả năng đánh phủ đầu căn cứ kẻ thù để ngăn chặn mối đe dọa tấn công sắp xảy ra.
Trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Trung Quốc đang căng thẳng vì tranh cãi chủ quyền biển đảo, Tokyo sẽ xem xét tăng cường các chức năng hàng hải cho SDF, đồng thời lập một lực lượng lính thủy đánh bộ để bảo vệ các đảo xa xôi hẻo lánh. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ cân nhắc mua loại máy bay không người lái như loại Global Hawk của quân đội Mỹ để tăng cường khả năng giám sát nhằm ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa.
Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh với những đề xuất được đưa ra, nhất là trong bối cảnh quan hệ 2 nước đang căng thẳng. Ông Michael Green, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nhận định: “Cho dù Nhật Bản có giải thích như thế nào thì Trung Quốc vẫn sẽ công kích mạnh mẽ báo cáo sắp tới”.
Thay đổi mang tính cách mạng
Các chuyên gia nhận định rằng những thay đổi trên mang tính cách mạng chứ không phải là sự chuyển biến đột ngột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Ông Marushige Michishita, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia, cho biết: “Việc có được khả năng tấn công sẽ là một thay đổi căn bản trong chính sách quốc phòng của chúng tôi, một kiểu thay đổi về triết lý”. Dù vậy, ông Michishita nói thêm rằng Tokyo sẽ mất thời gian, tiền bạc và công sức huấn luyện để đạt được năng lực đó trong thực tế bởi “nói bao giờ cũng dễ hơn làm”. Chẳng hạn, theo các chuyên gia, Nhật Bản sẽ cần đến tên lửa xuyên lục địa nếu muốn tấn công các căn cứ tên lửa tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, việc tấn công các bệ phóng tên lửa di động của Bình Nhưỡng đòi hỏi Tokyo có thêm nhiều chiến đấu cơ và thông tin tình báo hơn.
Khi nhậm chức hồi tháng 12-2012, ông Shinzo Abe đã cam kết thúc đẩy năng lực quân sự để đối phó với tình hình an ninh ngày càng bị đe dọa một phần bắt nguồn từ một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và một Triều Tiên khó lường. Theo hãng tin Reuters, sự ủng hộ trong nước đối với bước đi nói trên đang gia tăng bởi những hành động khiêu khích trên biển của Bắc Kinh và các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng thời gian qua. Trong nỗ lực tăng cường khả năng tấn công, Tokyo đang có kế hoạch mua 42 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, trong đó 4 chiếc đầu tiên dự kiến được giao vào tháng 3-2017.
Tăng cường quan hệ an ninh với ASEAN Thủ tướng Shinzo Abe hôm 25-7 lên đường bắt đầu công du 3 nước Malaysia, Singapore và Philippines nhằm thắt chặt các mối quan hệ kinh tế và an ninh với ASEAN. Đây là chuyến công du thứ ba của ông Abe đến khu vực này kể từ khi nhậm chức. Theo hãng tin Kyodo, chuyến công du kéo dài 3 ngày này là một phần nỗ lực của ông Abe trong việc tiếp tục xây dựng quan hệ với các nước chia sẻ với Nhật Bản những giá trị như dân chủ, kinh tế thị trường. Đây được xem là sáng kiến ngoại giao của nhà lãnh đạo Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc. |
Bình luận (0)