EIU cho rằng ông Trump nếu đắc cử có thể gây xáo trộn kinh tế thế giới, làm tăng rủi ro chính trị và an ninh cho Mỹ.
Cơ quan này đánh giá rủi ro từ việc ông Trump thắng cử còn nghiêm trọng hơn kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hoặc xung đột vũ trang nổ ra ở biển Đông.
“Đến nay, ông Trump công khai rất ít chi tiết về chính sách của mình” - EIU nhận xét trong báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu vừa công bố.
Dù vậy, EIU cho rằng ông Trump “đặc biệt thù địch với thương mại tự do, trong đó có NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) và luôn cho rằng Trung Quốc “thao túng tiền tệ””. Cơ quan này nhận xét những bình luận cứng rắn của ông Trump về Mexico và Trung Quốc “có thể khiến chiến tranh thương mại leo thang nhanh chóng”.
Ngoài ra, trong quá trình vận động tranh cử, tỉ phú này còn kêu gọi xây “một bức tường lớn” ở biên giới Mỹ - Mexico nhằm ngăn nhập cư trái phép và tội phạm ma túy. Gây tranh cãi hơn, ông còn lên tiếng ủng hộ việc tiêu diệt gia đình của những kẻ khủng bố, đưa quân vào Syria tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chiếm nguồn dầu mỏ của nhóm này.
Bên cạnh đó, với EIU, “quan điểm quân sự hóa của ông ta đối với Trung Đông và việc cấm người Hồi giáo đến Mỹ sẽ khiến các nhóm khủng bố hưởng lợi vì có thêm nhân lực, từ đó làm tăng rủi ro cho cả khu vực và trên thế giới”. Đây cũng chính là điều khiến những người chỉ trích ông Trump quan ngại.
Trong trường hợp ông Trump được chọn làm ứng viên GOP và sau đó thắng cử làm tổng thống, EIU dự báo việc hoạch định chính sách trong nước và quốc tế của Mỹ sẽ gặp khó. “Sự ghét bỏ trong Đảng Cộng hòa và thái độ thù địch khó tránh khỏi từ đảng Dân chủ sẽ khiến rất nhiều chính sách mạnh tay sau này của ông Trump bị mắc kẹt tại Quốc hội” - EIU nhấn mạnh.
Theo đánh giá của EIU, việc ông Trump thắng cử được đánh giá có mối đe dọa ngang với nguy cơ "chủ nghĩa khủng bố thánh chiến đe dọa kinh tế toàn cầu" (đồng hạng 6).
Đứng đầu danh sách là nguy cơ kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”, theo sau là kịch bản Nga can thiệp vào Ukraine và Syria dẫn đến chiến tranh lạnh mới, khủng hoảng nợ doanh nghiệp tại các nền kinh tế đang nổi, sự rạn nứt của EU...
Bình luận (0)