Campuchia hôm 22-3 ghi nhận 73 ca mắc mới và ca tử vong thứ 4 do dịch Covid-19. Ca tử vong mới nhất là một bác sĩ nam về hưu 75 tuổi ở thủ đô Phnom Penh. Ông bị chẩn đoán mắc Covid-19 hôm 21-3 và có tiền sử huyết áp cao.
Trong số tỉnh, thành có ca dương tính trên cả nước, tỉnh Prey Veng giáp Việt Nam có 49 ca nhiễm, gồm 3 người Việt. Theo báo Khmer Times, hiện có 83 người Việt tại Campuchia mắc Covid-19 trong tổng số 1.753 ca mắc. Chính phủ Campuchia hiện đã đóng cửa tất cả trường học trên toàn quốc và yêu cầu chuyển sang dạy trực tuyến. Theo báo New Straits Times (Malaysia), phần lớn ca mắc tại Campuchia liên quan đến sự kiện lây nhiễm trong cộng đồng hôm 20-2, thời điểm một số người mắc Covid-19 trốn khỏi trung tâm cách ly.
Philippines cũng đang nổi lên là điểm nóng mới của đại dịch tại châu Á. Bất chấp các biện pháp phòng dịch và cách ly nghiêm ngặt, nước này ghi nhận số ca mắc mới vượt 7.000 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch, nâng tổng số ca mắc tại Philippines lên hơn 663.000 ca, khiến các bệnh viện quá tải. Nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là các biến thể mới, ra ngoài thủ đô Manila, các quy định phòng dịch mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần kể từ ngày 22-3 và cũng có hiệu lực tại các tỉnh lân cận gồm Rizal, Cavite, Laguna và Bulacan. Theo đó, toàn bộ nhà thờ tại Manila phải đóng cửa, người dân bị cấm dùng bữa tại nhà hàng trong khi mọi chuyến đi không cần thiết đến và đi từ thủ đô cũng bị cấm.
Những người vi phạm lệnh giới nghiêm bị đưa đến một tòa án ở thủ đô Manila - Philippines hôm 20-3 Ảnh: REUTERS
Cũng tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận 46.951 trường hợp mắc mới hôm 22-3, mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái và 212 ca tử vong do dịch Covid-19, đây cũng là số ca tử vong cao nhất được ghi nhận trong ngày kể từ tháng 1. Đứng thứ ba thế giới về số ca mắc và tử vong (sau Mỹ và Brazil), Ấn Độ ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc và 160.000 ca tử vong.
Theo hãng tin AP, Nhật Bản đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào đêm 21-3 tại vùng thủ đô Tokyo. Tuy tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Chiba và Saitama lân cận đã được dỡ bỏ nhưng để đề phòng trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu và hoạt động kinh doanh được nối lại, các nhà hàng và quán bar được yêu cầu đóng cửa sớm; song song đó, chính quyền tăng cường xét nghiệm, tiêm chủng và củng cố hệ thống y tế.
Cứng rắn hơn, Đức sẵn sàng phong tỏa một phần vào tháng 4 khi dịch bệnh đang lây lan theo cấp số nhân do biến thể mới. Theo dự thảo quy định của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel, người lao động sẽ được yêu cầu làm việc tại nhà cho đến khi có thông báo mới, các hoạt động giải trí bị cấm và các cửa hàng bị buộc đóng cửa. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Đức cảnh báo 120.000 cửa hàng có thể phá sản nếu lệnh phong tỏa tiếp diễn.
Tình hình dịch bệnh ảm đạm hơn tại Thổ Nhĩ Kỳ khi số ca tử vong tăng lên 30.061. Lún sâu trong suy thoái kinh tế, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt sức ép từ các chủ doanh nghiệp cho phép nối lại kinh doanh bất chấp đại dịch chưa kết thúc.
Tại Mỹ, giới chức TP Miami Beach, bang Florida hôm 21-3 quyết định kéo dài thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp thêm 1 tuần để kiểm soát làn sóng du khách đổ về. Giới chức địa phương cảnh báo tình trạng hàng ngàn người tụ tập, đánh nhau trên phố, phá hoại tài sản nhà hàng, không đeo khẩu trang... Theo AP, cảnh sát đã bắt hơn 1.000 người vì gây rối trật tự công cộng.
Căng thẳng leo thang vì vắc-xin
Khối Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng từ chối cấp phép xuất khẩu vắc-xin Covid-19 của Công ty AstraZeneca sang Anh, bất chấp rủi ro quan hệ căng thẳng. Hãng tin Bloomberg ngày 22-3 dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho biết khối này sẵn sàng thực hiện động thái trên cho đến khi hãng dược đến từ Anh hoàn thành nghĩa vụ bàn giao vắc-xin như cam kết. Vì AstraZeneca không tôn trọng hợp đồng với EU nên mọi vắc-xin và nguyên liệu được sản xuất ở các nhà máy của châu Âu sẽ được giữ lại để bàn giao cho địa phương, vị này giải thích.
Căng thẳng EU - Anh gia tăng kể từ khi AstraZeneca thông báo với Brussels rằng họ không thể giao đúng lượng vắc-xin Covid-19 như đã cam kết cho quý I/2021. Trong bối cảnh chương trình tiêm phòng Covid-19 của Anh diễn ra thuận lợi, với tỉ lệ tiêm cao hơn nhiều so với các nước thành viên EU, khối này cáo buộc AstraZeneca đi theo "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin". Xung đột nguồn cung vắc-xin giữa EU và Anh hiện tập trung vào nhà máy Halix ở Hà Lan, vốn được nêu tên trong các bản hợp đồng giữa AstraZeneca với Brussels lẫn London.
Trong khi đó, London khẳng định hợp đồng giữa họ và AstraZeneca phải được tôn trọng. "Sản xuất và chế tạo vắc-xin là một quá trình mang tính hợp tác. Việc EU vi phạm hợp đồng, ngừng xuất khẩu vắc-xin không những làm giảm cơ hội có được một chương trình tiêm phòng phù hợp với người dân trong khối mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới" - Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace giải thích với Sky News.
Niềm tin dành cho vắc-xin AstraZeneca hôm 22-3 được củng cố sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở Mỹ, Chile và Peru khẳng định sản phẩm này an toàn và cho hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Theo Reuters, kết quả này có thể mở lối cho việc cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ giữa lúc các nước châu Á như Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ... đang đẩy nhanh tốc độ triển khai vắc-xin AstraZeneca.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton - người đứng đầu lực lượng chuyên trách vắc-xin của EU - hôm 21-3 tuyên bố khối này không cần vắc-xin Sputnik V của Nga để đạt miễn dịch cộng đồng. "Hiện tại, chúng ta rõ ràng đã có đủ năng lực để phân phối 300-350 triệu liều vắc-xin đến cuối tháng 6 và theo đó đến ngày 14-7 có thể đạt được miễn dịch cộng đồng diện rộng trên châu lục" - vị này nhấn mạnh.
Cao Lực
Bình luận (0)