Trong thông điệp được cho là gửi đến Bắc Kinh, ông Andrews thúc giục sự kiềm chế, ngưng hoạt động cải tạo đất và chấm dứt những hành động khiêu khích.
Ngoài ra, ông Andrews lặp lại quan điểm của Úc phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông hoặc những động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Song song đó, Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng nói với báo The Wall Street Journal rằng nước này đã điều động máy bay tuần tra biển Đông, Ấn Độ Dương trong nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục làm như thế bất chấp khả năng bị Trung Quốc phản đối.
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cũng tỏ ra quan ngại về tình hình biển Đông khi phát biểu tại SLD. Theo ông, New Zealand quan tâm đến những ý định của hoạt động cải tạo đất ở biển Đông.
“Hành vi hiện đại hóa quân sự nhanh chóng trong một môi trường ngờ vực là một viễn cảnh đáng ngại” - ông Brownlee nhận định, đồng thời kêu gọi sự minh bạch, sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Cả 2 bộ trưởng quốc phòng Úc và New Zealand đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải nhằm bảo đảm một hành lang an toàn cho thương mại trong khu vực và tăng trưởng kinh tế, từ đó dẫn đến sự hội nhập tốt hơn.
Phát biểu tại SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen lo ngại về tình hình biển Đông, đồng thời kêu gọi sự tôn trọng tự do đi lại và giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế. Theo bà, châu Âu có thể giúp tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ lo ngại tình hình bất ổn trong khu vực dẫn đến căng thẳng gia tăng, thậm chí cả những vụ việc rắc rối trên biển và trên không. Vì thế, ông kêu gọi sự kiên nhẫn trong quá trình giải quyết vấn đề biển Đông.
Bình luận (0)