Trong bản báo cáo công bố ngày 7-9, GAO tiết lộ giấy chứng nhận huấn luyện tác chiến dành cho 37% tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ ở Nhật Bản đã hết hạn, tăng so với 7% vào tháng 1-2015.
Theo đài CNN, bản báo cáo của GAO làm tăng mối lo ngại về sự an toàn cũng như trạng thái sẵn sàng hoạt động của tàu chiến Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương sau một loạt va chạm dẫn đến chết người gần đây.
Trong năm nay, 4 tàu hải quân Mỹ gặp sự cố ở Thái Bình Dương khiến 17 thủy thủ thiệt mạng. Hồi tháng trước, tàu khu trục USS John S. McCain va chạm với một tàu hàng ngoài khơi bờ biển Singapore làm chết 10 người. Chỉ huy Hạm đội 7 của hải quân Mỹ sau đó bị sa thải, đồng thời hải quân Mỹ cũng ra lệnh tạm ngừng tất cả hoạt động để xem xét vấn đề an toàn.
Đô đốc Bill Moran, Phó Tư lệnh các hoạt động của hải quân Mỹ, hôm 7-9 ra điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện về các vụ va chạm của 2 tàu khu trục USS McCain và USS Fitzgerald.
Hải quân Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng tần suất hoạt động cao của Hạm đội 7 đã dẫn đến việc cắt giảm quá trình huấn luyện và cấp giấy chứng nhận. Ảnh: TWITTER
Hạm đội 7 hiện sở hữu 70-80 tàu và tàu ngầm, nằm trong tuyến phòng thủ tên lửa chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên. Báo cáo của GAO tập trung vào các tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ bởi chúng góp mặt trong 4 vụ va chạm kể từ đầu năm nay.
Để tham gia các hoạt động chính thức, tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ phải được cấp hơn 12 chứng nhận về huấn luyện, trong đó có khả năng di chuyển và chiến đấu (phòng thủ tên lửa đạn đạo và thực chiến trên mặt nước).
Nguyên nhân dẫn tới vụ va chạm của tàu USS McCain vẫn đang được điều tra nhưng giới chức quân sự, các nghị sĩ và GAO từ lâu đã cảnh báo về tình trạng sẵn sàng hoạt động của hải quân Mỹ trong bối cảnh sứ mệnh của hạm đội tăng lên nhưng số lượng tàu triển khai không đổi.
Trong khi đó, thời gian triển khai đối với hạm đội tàu chiến cũng tăng theo.
Giám đốc Bộ phận Quản lý và Năng lực quốc phòng của GAO John Pendleton cho biết hải quân Mỹ đã phải rút ngắn, loại bỏ hoặc trì hoãn thời gian huấn luyện và bảo trì để có thể đảm bảo tần suất triển khai dày đặc nói trên.
Trong một báo cáo hồi tháng 5-2015, GAO chỉ ra rằng nhiều tàu hải quân Mỹ hoạt động ở nước ngoài có trang thiết bị xuống cấp hoặc quá hạn sử dụng, tăng gấp đôi từ năm 2009 đến năm 2014. Cũng theo bản báo cáo này, lịch trình hoạt động dành riêng cho các tàu ở nước ngoài – đặc biệt là tại Nhật Bản - dù được hải quân Mỹ lên kế hoạch nhưng cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Tính đến tháng 6-2017, GAO phát hiện chứng nhận về khả năng di chuyển, chiến đấu cấp cho 8/11 tàu khu trục và tàu tuần dương của hải quân Mỹ đóng tại Nhật Bản đã hết hạn, chủ yếu do lịch trình hoạt động của các tàu này quá dài và dày đặc.
Hải quân Mỹ nhiều lần thừa nhận rằng tần suất hoạt động cao của Hạm đội 7 đã dẫn đến việc cắt giảm quá trình huấn luyện và cấp giấy chứng nhận. Áp lực đó chỉ tăng lên trong những tháng gần đây sau khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và hạt nhân bởi Hạm đội 7 phải tiến hành nhiều đợt tập trận và tuần tra với số lượng tàu giữ nguyên mà không được bổ sung.
Bình luận (0)