Thay vì kéo dài 3 tuần, hội nghị năm nay của WHA diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 18 và 19-5, chủ yếu tập trung vào dịch Covid-19 (phát triển phương pháp chẩn đoán, thuốc men và vắc-xin), phê chuẩn ngân sách, bổ sung ban điều hành...
Liên minh châu Âu (EU) với sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU), Úc và New Zealand đã soạn thảo một nghị quyết, theo đó thúc giục nỗ lực ứng phó chung đối với đại dịch và khẳng định vai trò bao quát, toàn diện của WHO trong cuộc chiến này. Ngoài ra, các nước châu Phi và châu Âu còn kêu gọi loại "vắc-xin phòng chống Covid-19 cho mọi người" trong nghị quyết.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại một cuộc họp báo về dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Geneva - Thụy Sĩ Ảnh: Reuters
Trước đó, theo trang The Africa Report, hàng trăm nhà lãnh đạo chính trị và dân sự đã thúc giục mọi thuốc men và vắc-xin Covid-19 cần được phân phối công bằng, miễn phí cho mọi người. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bác bỏ những đề xuất như thế và đang tìm cách chỉnh sửa nội dung nghị quyết tại hội nghị vào đầu tuần tới.
Ngoài tranh cãi về chuyện tiếp cận với thuốc, vắc-xin Covid-19 trong tương lai, hội nghị còn có thể bị phủ bóng bởi bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về cách thức đối phó dịch bệnh này. Giới chức Mỹ cho rằng virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc nhưng hiện không có bằng chứng cho cáo buộc như thế. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ tài trợ cho WHO sau khi chỉ trích cơ quan của Liên Hiệp Quốc này "ban đầu đã giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng" của dịch bệnh và thiên vị Bắc Kinh.
Dù vậy, trước thềm hội nghị, theo trang Fox News, chính quyền ông Donald Trump chuẩn bị khôi phục một phần tài trợ cho WHO. Cụ thể, theo nội dung lá thư dự kiến gửi đến Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Washington cho biết "sẽ đồng ý khoản tài trợ tương đương những gì Trung Quốc đóng góp cho WHO". Mỹ hiện đóng góp cho WHO khoảng 400 triệu USD/năm và con số này sẽ giảm còn khoảng 40 triệu USD/năm nếu kế hoạch trên được thực thi.
Vấn đề Đài Loan là một thách thức khác tại hội nghị. Một số quốc gia do Mỹ dẫn đầu đang yêu cầu WHO cho phép Đài Loan tham gia hội nghị trên với tư cách quan sát viên. WHA đã mời Đài Loan tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên trong quá khứ nhưng việc này chấm dứt vào năm 2016.
Đối mặt sức ép trên, Trung Quốc hôm 13-5 đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến với các đảo quốc Thái Bình Dương để bàn chuyện viện trợ Covid-19. Sau hội nghị, Bắc Kinh đã công khai cam kết của các nước này về việc ủng hộ nguyên tắc "Một Trung Quốc" và phản đối mọi ý định chính trị hóa dịch Covid-19.
Bình luận (0)