Sau những cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và các bộ trưởng Trung Quốc, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảm thấy ấn tượng bởi hiểu biết của họ về virus SARS-CoV-2 và nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh (khi đó đã giết nhiều người tại Trung Quốc và bắt đầu lan sang các nước khác).
Theo Reuters, nhiều cố vấn khuyên ông Tedros không nên khen ngợi Trung Quốc quá nhiệt tình vì lo sợ những người có cái nhìn khác về vấn đề nhưng tổng giám đốc WHO rất kiên quyết, một phần là do ông muốn đảm bảo có được sự hợp tác của Trung Quốc trong việc chống dịch.
Tổng giám đốc WHO sau đó nhiệt liệt khen ngợi những nỗ lực chống dịch của Trung Quốc dù có những bằng chứng cho thấy nước này che giấu dịch bệnh trong thời gian đầu.
Nhận xét của ông Tedros bị một số thành viên WHO chỉ trích vì thổi phồng quá mức nỗ lực của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đứng đầu các cáo buộc, tố cáo WHO là "trung tâm của Trung Quốc" và ngừng tài trợ cho cơ quan y tế này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters
Cuộc tranh luận nội bộ về thông điệp của WHO với Trung Quốc đã đem đến cái nhìn về những thách thức của WHO và ông Tedros khi họ tham gia vào trận chiến trên 2 mặt trận quan trọng: xử lý một đại dịch chết người và đối phó với sự thù địch của Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức 72 năm tuổi.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn một người có thông tin cho biết ông Tedros "rõ ràng cảm thấy thất vọng" vì hành động của ông Trump và cho rằng WHO đang bị sử dụng như một "quả bóng chính trị".
Người đứng đầu WHO kịch liệt phản đối những chỉ trích cho rằng ông đã quá vội vã khi khen ngợi Bắc Kinh. Ông Tedro khẳng định những biện pháp quyết liệt của Trung Quốc đã trì hoãn sự lây lan của virus và cho phép các nước khác có thời gian chuẩn bị kit xét nghiệm, hệ thống cấp cứu và y tế.
Theo lời nguồn tin giấu tên, ông Tedros biết rằng chuyến thăm và sự ủng hộ công khai dành cho Bắc Kinh có rủi ro chọc giận các đối thủ chính trị của Trung Quốc. Nhưng tổng giám đốc WHO cho rằng rủi ro lớn hơn nằm ở việc mất đi sự hợp tác của Trung Quốc khi virus vượt ra ngoài biên giới nước này.
Trong thông báo sau chuyến thăm, WHO nói họ đã bày tỏ sự đánh giá cao với Trung Quốc "vì họ hợp tác trong những vấn đề chúng tôi cần hỗ trợ", bao gồm cô lập virus và chia sẻ trình tự gien, cho phép các nước khác phát triển bộ xét nghiệm.
Dù vậy, chính quyền ông Trump, vốn cũng đang bị chỉ trích tại quê nhà vì các biện pháp chống dịch, không hề giảm bớt những chỉ trích dành cho WHO và Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với hãng Reuters rằng WHO "liên tục thất bại trong việc thừa nhận mối nguy hiểm ngày càng tăng của Covid-19 và vai trò của Trung Quốc trong sự lây lan của virus".
Sau khi lưu ý rằng Mỹ tài trợ cho WHO nhiều hơn so với Trung Quốc, quan chức trên tuyên bố hành động của WHO là "nguy hiểm và vô trách nhiệm" và làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng "thay vì tích cực giải quyết nó". Các quan chức Mỹ cáo buộc "sự phối hợp kém, thiếu minh bạch và bộ máy lãnh đạo rối loạn đã gây khó khăn cho phản ứng của WHO" với Covid-19.
Trong khi đó, Trung Quốc đứng về phía tổng giám đốc WHO. Trong thông báo gửi cho hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: "Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, WHO - dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Tedros - đã tích cực hoàn thành trách nhiệm của họ và giữ vững lập trường khách quan, khoa học và vô tư. Chúng tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sự chuyên nghiệp, tinh thần của WHO và sẽ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của WHO trong hợp tác toàn cầu chống lại đại dịch".
Trung Quốc cũng bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về cách phản ứng với Covid-19. Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Bắc Kinh đã "cởi mở, minh bạch và trách nhiệm" trong việc chia sẻ thông tin về virus. Ngoài ra, Bắc Kinh còn duy trì liên lạc và hợp tác chặt chẽ với WHO. Nước này "đánh giá cao" những bình luận tích cực của WHO về cách phản ứng của Trung Quốc.
Bình luận (0)