Theo kết quả được Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 10-3, ông Yoon đạt 48,6% phiếu bầu, nhiều hơn 0,73 điểm phần trăm so với đối thủ Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ cầm quyền.
Giới chuyên gia khẳng định đây là kết quả bầu cử tổng thống sít sao chưa từng có ở Hàn Quốc, một dấu hiệu cho thấy quốc gia này đang trong trạng thái chia rẽ sâu sắc. "Đoàn kết dân tộc sẽ là ưu tiên hàng đầu của tôi" - Tổng thống đắc cử Yoon khẳng định, đồng thời tuyên bố sẽ làm việc cùng đảng đối lập ngay khi nhậm chức vào ngày 10-5 tới.
Theo hãng tin Yonhap, nhiều thách thức đang chờ đón ông Yoon, 61 tuổi, phía trước, trong đó nổi bật là nền kinh tế hiện đối mặt với rủi ro gia tăng liên quan đến dịch Covid-19, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc khủng hoảng Ukraine. Về đối nội, chính phủ sắp tới còn phải giải quyết một số vấn đề cấp bách khác, như giá nhà đất tăng mạnh, bất bình đẳng giới và thu nhập...
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại thủ đô Seoul hôm 10-3Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, chiến thắng của ông Yoon có thể tác động mạnh mẽ đến đường lối đối ngoại của Hàn Quốc, trong đó có quan hệ với Triều Tiên. Theo đuổi lập trường cứng rắn về an ninh quốc gia, ông Yoon không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu để đối phó mối đe dọa sắp xảy đến từ Triều Tiên.
Nhiều thách thức chờ tổng thống đắc cử Hàn Quốc
Ngoài ra, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 10-3, ông Yoon cam kết củng cố quan hệ đồng minh Seoul - Washington, duy trì hợp tác song phương chặt chẽ để giải quyết thách thức toàn cầu và những rủi ro liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo tờ The Korea Herald, chính quyền mới của ông Yoon sẽ gặp nhiều thử thách liên quan đến vấn đề cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi Washington đang tăng cường nỗ lực đối phó với Bắc Kinh.
Mỹ hiện là đồng minh an ninh quan trọng của Hàn Quốc trong khi Bắc Kinh lại là đối tác thương mại chính của Seoul. Mức ủng hộ của Hàn Quốc dành cho Mỹ ở những vấn đề nhạy cảm không chỉ quyết định mối quan hệ của quốc gia này với Washington, mà còn với Bắc Kinh.
Cải thiện quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản, hiện căng thẳng vì những tranh cãi về lãnh thổ và lịch sử, cũng là một nhiệm vụ không dễ đối với ông Yoon.
Trong nửa sau của nhiệm kỳ Tổng thống Moon Jae-in, Seoul đã tìm cách làm điều này nhưng không đạt tiến triển đáng kể. Dù vậy, hy vọng không phải đã hết sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 10-3 bày tỏ hy vọng sẽ cùng ông Yoon Suk-yeol "tái thiết" quan hệ song phương trong thời gian tới.
Bình luận (0)