Em Phumla Tshabalala, 16 tuổi, ẵm trên tay đứa con gái mới sinh và tỏ vẻ lo lắng khi làm mẹ đơn thân: “Em đã không gặp cha đứa bé trong một thời gian dài. Thậm chí, anh ta cũng chưa đến thăm mẹ con em. Không có bất kỳ ai trong gia đình anh ta đến thăm em. Em không chắc liệu anh ta có kể với gia đình về chuyện này không”.
Phumla sinh ra trong một gia đình bình thường, cha em là trụ cột duy nhất của cả nhà. Nhỏ tuổi nhất trong 3 chị em gái nhưng lại là người đầu tiên sinh con, Phumla buồn bã: “Cha mẹ em rất thất vọng. Họ đã làm việc cực khổ để em được đến trường nhưng em đã phụ lòng họ. Em hy vọng một ngày nào đó, họ có thể tha lỗi cho em”.
Phumla có ý định trở lại trường học vào các kỳ thi cuối năm nhưng không chắc có thể vừa học vừa chăm con nhỏ hay không. Phumla nói nếu thời gian quay trở lại, em sẽ chỉ sinh con khi đủ chín chắn nhưng cũng cảm thấy may mắn khi cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh.
Theo hội đồng nghiên cứu khoa học về con người của Nam Phi, tỉ lệ tử vong ở các bà mẹ trẻ mang thai khá cao, chiếm 36% trong tổng số phụ nữ mang thai mỗi năm. Tiến sĩ Jay-Anne Devjee, trưởng khoa sản tại Bệnh viện King Dinuzulu, lý giải: “Khung xương chậu của các bà mẹ trẻ chưa phát triển toàn diện. Chúng tôi thường phải áp dụng phương pháp sinh mổ để lấy đứa bé ra, do đó làm tăng nguy cơ xuất huyết và gây rủi ro cho tính mạng các bà mẹ trẻ”.
Phải làm trái luật
Các cuộc nghiên cứu mới đây ở Nam Phi cho thấy hầu hết các bà mẹ trẻ phải nghỉ học vĩnh viễn để chăm sóc con cái. Tại Trường Trung học Intshisekelo ở ngoại ô TP Durban thuộc tỉnh KwaZulu-Natal, hơn 20 nữ sinh mang thai chỉ trong học kỳ đầu tiên của năm học này. Một giáo viên của trường cho rằng bên cạnh nạn nghèo đói, việc mang thai là một trong những nguyên nhân chính khiến số học sinh tốt nghiệp không bao giờ quá 50%.
Luật pháp Nam Phi về trường học năm 1996 quy định nhà trường không được phép đuổi học những nữ sinh mang thai. Tuy nhiên, một số trường buộc phải làm trái luật bởi họ không được hướng dẫn cách thức hỗ trợ những học sinh này. Mugwena Maluleke, phát ngôn viên của Hội Giáo viên Nam Phi, cho biết: “Giáo viên phải kiêm luôn vai trò y tá và nhà hoạt động xã hội khi các nữ sinh lầm lỡ trở thành đối tượng bị kỳ thị tại trường. Đây là một áp lực không nhỏ bởi dù sao công việc chính của họ vẫn là giảng dạy”.
Ông Senzo Mchunu, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh KwaZulu-Natal, lo lắng về số nữ sinh mang thai ngày càng tăng tại địa phương: “Việc mang thai sẽ phá hủy cả tương lai của các em bởi hầu như không em nào còn cơ hội trở lại trường học”. Nhiều nữ sinh mang thai không quan tâm đến chuyện ra tòa để đòi quyền lợi một khi bị đuổi học bởi họ không biết rõ luật. Hơn nữa, các em đã quá vất vả để nuôi con cho tốt.
Nhiều năm qua, chính phủ Nam Phi không ngừng tìm hiểu xem chuyện nữ sinh mang thai là vấn đề y tế, xã hội hay giáo dục nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Trước mắt, chính quyền tỉnh KwaZulu-Natal đang nỗ lực tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về nguy cơ của việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên và mối đe dọa của HIV/AIDS.
Bình luận (0)