Trốn thuế và tham nhũng là 2tệ nạn lâu đời ở Hy Lạp. Năm 2009, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu) ước tính “thị trường đen” ở Hy Lạp lấy đi của chính phủ 65 tỉ euro, tương đương 25% GDP, trong đó có 20 tỉ USD do nạn trốn thuế.
Chính phủ Hy Lạp từng cố gắng cải thiện tình trạng trên nhưng thất bại. Số liệu thống kê quý IV/2005 của chính phủ cho thấy có đến 49% người dân nước này trốn thuế. Năm 2009, một nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Chicago của Mỹ phát hiện số tiền mà những người hành nghề độc lập như bác sĩ, nha sĩ, luật gia, gia sư, kế toán, cố vấn tài chính… đã trốn thuế lên đến 28 tỉ euro, tương đương 31% tiền thâm hụt ngân sách.
Những vụ mất tài liệu kỳ bí
Năm 2006, Herve Falciani, một kỹ thuật viên tin học của chi nhánh Ngân hàng HSBC ở Geneva (Thụy Sĩ), ăn cắp thông tin khách hàng châu Âu của HSBC với mục đích bán lại cho các chính phủ để lấy tiền.
Tháng 1-2009, cảnh sát Pháp khám nhà Falciani ở Pháp, phát hiện trong máy vi tính cá nhân của đối tượng danh sách 130.000 chủ tài khoản ngân hàng tình nghi trốn thuế, trong đó có 24.000 người mang quốc tịch châu Âu. Mùa hè năm 2010, Cơ quan Tình báo Pháp thông báo sẽ chuyển cho đồng nghiệp Hy Lạp tên những người Hy Lạp giàu có trong danh sách của Falciani để giúp chính phủ Hy Lạp thu hồi tiền trốn thuế. Tháng 10-2010, bà bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde (nay là tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế) gửi cho người đồng nhiệm Hy Lạp là Giorgios Papakonstantinou một CD chứa 1.991 tài khoản Ngân hàng HSBC Thụy Sĩ của những người Hy Lạp tình nghi trốn thuế mà sau này nổi tiếng với tên gọi “danh sách Lagarde”. Tuy nhiên, mãi đến 2 năm sau, người dân Hy Lạp mới biết đến sự kiện này.
Từ đó đến ngày ông Papakonstantinou thôi chức vào giữa năm 2011 xảy ra nhiều chuyện khó hiểu. Đầu tiên, ông này báo cáo với Ủy ban Điều tra quốc hội rằng đã trao danh sách cho cảnh sát thuế và yêu cầu tiến hành điều tra toàn diện. Tuy nhiên, sau đó có tin CD biến mất. Tân bộ trưởng tài chính lúc đó là Evangelos Venizelos (nay là chủ tịch Đảng Xã hội PASOK) nói ông có một bản photocopy ghi trong ổ cứng di động (USB) và bắt đầu điều tra 10 vị chính khách có tên trong danh sách. Tuy nhiên, không thấy ai bị truy tố cả. Sau đó lại có tin chiếc USB của ông Venizelos cũng bị thất lạc. Sau khi ông Venizelos thôi chức, tân bộ trưởng Yannis Stournaras định nhờ Paris cung cấp bản photocopy mới thì ông Venizelos chợt nhớ “bỏ quên cái USB trong hộc bàn của thư ký riêng”!
Người hùng Vaxevanis
Bức xúc trước sự thờ ơ của chính quyền viện cớ thông tin ăn cắp không có giá trị để điều tra tội phạm, tháng 4-2012, nhà báo Hy Lạp Kostas Vaxevanis tiết lộ trên bán nguyệt san Hot Doc, (do ông làm chủ) danh sách 2.059 chủ tài khoản Ngân hàng HSBC Chi nhánh Geneva mà ông cho là trốn thuế. Rất nhiều người trong danh sách này cũng có tên trong “danh sách Lagarde”.
Thế nhưng, người bị bắt trước hết là nhà báo Vaxevanis vào ngày 28-10 vừa qua về tội “xâm phạm thông tin cá nhân nhạy cảm”. Ông được thả vài giờ sau và phát biểu với báo giới: “Viện Công tố muốn bảo vệ những người trốn thuế. Tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ của mình. Thay vì bắt những kẻ trốn thuế, họ tìm cách bóp nghẹt tự do báo chí và che giấu sự thật”. Vụ bắt bớ này bị dư luận trong và ngoài nước phê phán kịch liệt.
Cũng trong tháng 10, xảy ra cái chết đầy nghi vấn của 2 nhân vật tiếng tăm có tên trong “danh sách Lagarde”. Đêm 8-10-2012, người ta phát hiện ông Leonidas Tzanis, cựu thứ trưởng Bộ Nội vụ, treo cổ chết dưới hầm nhà ông. Năm ngày sau, nhân viên một khách sạn ở Jakarta, thủ đô Indonesia, phát hiện thi thể doanh nhân Hy Lạp Vlassis Kambouroglou trong phòng. Ông này trước kia làm tổng giám đốc Công ty Drumilan International, liên quan đến vụ mua bán hệ thống tên lửa TOR-M1 của Nga có mùi tham nhũng.
Cuộc xét xử nhà báo Vaxevanis bắt đầu vào ngày 1-11 và nhanh chóng kết thúc trong ngày với kết quả bị cáo trắng án. Tuy vậy, ngày 16-11, tòa án tuyên bố có thể ông Vaxevanis sẽ phải đối mặt với một phiên tòa khác.
Kỳ tới: “Đũa thần” nào cho Ấn Độ?
Bình luận (0)