Ông nhấn mạnh: “Jakarta không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại biển Đông… “Đường chín đoạn” là vấn đề không chỉ riêng chúng tôi phải đối mặt mà còn (ảnh hưởng) trực tiếp tới lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines”. “Đường lưỡi bò” này liếm tới cả quần đảo Natuna của Indonesia.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay Tòa Trọng tài Thường trực sẽ tiến hành phiên tòa kéo dài 1 tuần về vụ Philippines kiện các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, bắt đầu từ ngày 24-11. Trong chuyến thăm song phương tới Manila hôm 10-11, Ngoại trưởng Trung Quốc đổ lỗi Philippines làm căng thẳng quan hệ song phương do theo đuổi vụ kiện nói trên.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng vấn đề biển Đông có thể được bàn thảo bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC (dự kiến diễn ra tại Philippines từ ngày 17 đến 19-11), nếu nó không được xếp vào chương trình nghị sự chính thức.
Tại Mỹ, chuyện biển Đông cũng được nói đến trong cả 2 cuộc tranh luận liên tiếp hôm 10-11 của các ứng viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa. Thống đốc bang New Jersey Chris Christie quả quyết nếu trở thành tổng thống Mỹ thì hành động đầu tiên với Trung Quốc là ông sẽ ngồi trên chuyên cơ Không lực Một bay trên những hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông.
Trong khi đó, Thống đốc bang Ohio John Kasich một mặt khẳng định “Trung Quốc không sở hữu biển Đông”, mặt khác hoan nghênh động thái của Tổng thống Barack Obama khi ra lệnh hải quân cho chiến hạm USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo nói trên.
Trang tin USNI News (Mỹ) tiết lộ Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đang đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cung cấp thêm chi tiết về sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải của USS Lassen tại biển Đông.
Bình luận (0)