Tham gia thiết kế dự án trên có 11 tổ chức khoa học của 6 nước thành viên châu Âu. Mục đích của những người lập dự án, ngoài việc đưa ra những chứng cứ cụ thể về sự hiện hữu khá phổ biến của sóng quái, còn nhằm tìm hiểu nguồn gốc và tác hại của nó đối với các tàu chuyên dùng và các công trình công nghiệp nằm ngoài khơi.
30.000 không ảnh
Một phần của dự án được trao cho hai vệ tinh quét ảnh trái đất ERS-1 và ERS-2. Cặp vệ tinh này đã được phóng lên quỹ đạo trái đất vào tháng 7-1991 và tháng 4-1995. Cả hai đều được trang bị ra đa loại SAR (Synthetic Aperture Radar) dùng để giám sát các mặt biển trên trái đất. Sau khi quét ảnh bề mặt các biển, ra đa vệ tinh gửi trả về mặt đất những tín hiệu ảnh chụp mặt biển từng ô hình chữ nhật kích thước 10 km x 5 km. Cứ 200 km quét ảnh một lần.
Trong vòng ba tuần lễ, hai vệ tinh ERS-1 và ERS-2 đã gửi về khoảng 30.000 ảnh chụp bề mặt các vùng biển. Trong thời gian này xảy ra vụ hai tàu chở khách lớn Bremen và Caledonian Star bị sóng quái tấn công. Thời gian bị tấn công là tuần lễ cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2001.
Theo lời kể của thuyền trưởng và hành khách, trong lúc đang chạy ở ngoài khơi Nam Đại Tây Dương, cả hai con tàu đều gặp một con sóng cao 30 mét chỉ cách nhau một ngày. Chiếc Bremen bị hỏng máy trôi dạt khoảng hai giờ đồng hồ song song với con sóng. Mọi thiết bị điện tử trên tàu đều bị tê liệt. Mọi người đều tưởng sắp chầu ông bà thì may sao máy tàu chạy lại được. Wolfgang Rosenthal, khoa học gia cao cấp của Trung tâm khoa học Đức GKSS, từng nghiên cứu sóng quái nhiều năm, cũng phải ngạc nhiên. Ông cho biết hai tai nạn xảy ra cách xa nhau hàng ngàn km. Ông Rosenthal kết luận: “Chúng ta mới biết một số điều về sóng quái nhưng chưa thể biết hết về nó”.
Những không ảnh kể trên đã được xử lý tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức (DLR). Mặc dù khoảng thời gian không dài (chỉ ba tuần lễ), MaxWave đã xác định được hơn 10 đợt sóng quái cao khoảng 25 mét ở khắp bốn biển. Tiến sĩ Rosenthal cho biết thêm: “Giờ thì chúng tôi đã chứng minh được rằng sóng quái không còn là chuyện hoang đường. Hơn nữa nó xuất hiện với tần suất cao hơn chúng ta tưởng trước đây. Hiện có hai việc đang làm. Thứ nhất, điều tra xem các con tàu xấu số đã bị sóng quái đánh chìm như thế nào để rút kinh nghiệm thiết kế các con tàu tương lai tốt hơn, có thể chống chọi với những con sóng cao 20-30 mét. Thứ hai là phân tích các dữ liệu vệ tinh nhằm trả lời câu hỏi: Có thể dự báo sóng quái được không?”
Theo ESA, cơ quan này đang bước qua giai đoạn mới thực hiện một dự án có tên là WaveAtlas dùng các không ảnh chụp từ cặp vệ tinh ERS để vẽ tập bản đồ sóng quái trên toàn thế giới và phân tích các dữ liệu thống kê về loại sóng dữ này. Công trình khoa học này sẽ kéo dài hai năm. Trưởng dự án là bà Susanne Lehner, giáo sư thỉnh giảng khoa vật lý ứng dụng biển Trường Đại học Miami (Mỹ). Bà từng là đồng trưởng dự án MaxWave với Rosenthal tại trung tâm DLR. Mục đích của tối hậu của WaveAtlas là phát hiện cơ chế hình thành hiện tượng biển lạ lùng gọi là sóng quái và vùng biển nào có nhiều sóng quái nhất.
Một công đôi việc
Theo bà Lehner, cả hai dự án trên đều không chỉ nghiên cứu sóng quái. Những hình ảnh quét qua các vùng biển còn cho các nhà khoa học biết tình hình vết dầu loang (trong các trường hợp tàu chở dầu chìm làm rò rỉ dầu ra biển), các tảng băng trôi và hành trình các tàu. Bà nhận xét: “Chỉ có các không ảnh thu thập qua ra đa vệ tinh mới có thể cung cấp những mẫu dữ liệu cần thiết cho những công trình phân tích biển mang tính thống kê. Không giống như các thiết bị chụp ảnh thông thường, ra đa vệ tinh có khả năng nhìn thấu qua mây và bóng đêm. Trong điều kiện thời tiết đầy mây mù, những hình ảnh chụp bằng sóng ra đa là thông tin đáng tin cậy duy nhất”.
Vệ TINH ERS |
Song song với hai dự án nghiên cứu sóng quái nói trên của ESA, các nhà khoa học Mỹ ở trường đại học Miami cũng dùng các vệ tinh của Cơ quan Không gian Vũ trụ Mỹ (NASA) để thu thập hình ảnh sóng quái chụp qua ra đa để xác định vị trí và cơ chế hình thành loại sóng tử thần này. Họ hy vọng đến một lúc nào đó có thể truyền những thông tin về sóng quái kịp thời cho các tàu bè đi biển biết để mà tránh.
Những đôi mắt của ESA ít nhất đã đánh đổ một hệ thống toán học ứng dụng vào nghiên cứu sóng biển của các nhà khí tượng học và hải dương học tồn tại từ nhiều thập niên trước. Hệ thống toán học này có tên là mô hình tuyến tính dự báo chiều cao ngọn sóng. Nó đi đến kết luận rằng sóng biển biến thiên quanh một chiều cao trung bình. Trong điều kiện có gió bão, ngọn sóng cao trung bình 12 mét. Mô hình này dự báo trong những trường hợp bão lớn, ngọn sóng khó cao hơn 15 mét. Một ngọn sóng cao 30 mét cũng có thể xảy ra nhưng vô cùng hiếm hoi, 10.000 năm mới có một lần.
Thực tế đã từng thách thức mô hình tuyến tính dự báo sóng nói trên. Tính riêng ở ngoài khơi Nam Phi, từ năm 1990 đến nay đã có 20 chiếc tàu lớn bị những ngọn sóng cao hơn 15 mét tấn công. Đặc biệt, ngày 1-1-1995, một con sóng quái cao 26 mét đã dập vào giàn khoan dầu khí Draufner ở ngoài khơi Na Uy.
Cái gì tạo ra những con sóng quái? Hơn 10 năm qua, các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra những giả thuyết nhưng cái nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, thậm chí chỏi nhau.
Bình luận (0)