Ngày 13-5, trong một bài đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, tờ China Daily dẫn số liệu từ Bộ Bảo vệ Môi trường cùng Bộ Tài nguyên và Đất đai cho biết 16,1% đất đai Trung Quốc đang bị nhiễm cadmium, thạch tín, chì và thủy ngân. Ngoài ra, 19,4% đất trồng trọt bị ô nhiễm cao hơn tiêu chuẩn quốc gia nhưng không nói rõ gấp bao nhiêu lần. Có nghĩa là khoảng 3,33 triệu mẫu đất nông nghiệp không thể trồng bất cứ thứ gì.
Mất niềm kiêu hãnh
Riêng về nước, các số liệu trên cho thấy bị ô nhiễm nặng nhất là thượng nguồn sông Hoàng Hà chảy qua TP Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc. Con sông có tên Dongdagou dài 38 km hứng đến hàng chục triệu tấn chất thải chứa kim loại nặng và trở thành nguồn ô nhiễm chính khi chảy vào sông Hoàng Hà. Kết quả, theo các mẫu nước xét nghiệm tại Đại học Bắc Kinh, hàm lượng cadmium trong nước sông này cao hơn chuẩn quốc gia 2.200 lần, còn thủy ngân là 2.000 lần. Một trong những tác hại trực tiếp của tình trạng trên là rụng răng. “Ban đầu là người lớn, sau đó đến trẻ em” - một cư dân kể.
Trong lịch sử ngàn năm, Hoàng Hà từng được coi là “niềm kiêu hãnh của Trung Quốc” vì lợi ích to lớn của nó: phù sa đất vàng màu mỡ và khả năng tưới tiêu gần 1 triệu km2. Thế nhưng, ký ức người dân sống ven sông lại nhớ đến những thảm họa mà nó gây ra nhiều hơn: 5 lần đổi dòng nước, hơn 1.500 lần phá vỡ đê điều và không biết bao lần gây lũ lụt kinh hoàng như năm 1887, giết chết gần 2 triệu người và năm 1931, khoảng 1 triệu người tử vong.
Ngày nay, bên cạnh thiên tai, Hoàng Hà còn gieo vào lòng cư dân một nỗi buồn và nguy cơ đáng sợ hơn: Nước sông bị ô nhiễm đến mức không thể dùng để tưới tiêu; năm nào cũng tiếp nhận hơn 4 tỉ tấn nước thải sinh hoạt, tương đương 1/10 khối nước của toàn con sông. Khi công nghiệp hóa được đẩy mạnh với tốc độ chóng mặt, nước sông Hoàng Hà không còn màu vàng đặc trưng mà đổi sang đỏ, tím… Ví dụ tháng 10-2006, khoảng 1 km khúc sông chảy qua TP Lan Châu, tỉnh Cam Túc nhuốm màu đỏ, hôi hám vô cùng do nước thải sinh hoạt.
Phần lớn nước sông Hoàng Hà chảy qua các khu công nghiệp trọng điểm là than đá và các khu dân cư lớn. Trong số 20.000 nhà máy hóa dầu toàn quốc, có đến 4.000 cái nằm ven sông Hoàng Hà. 1/3 loài cá trên con sông này đã tuyệt chủng vì các đập nước, nạn ô nhiễm và đánh bắt tràn lan.
Còn đâu len Nội Mông?
Ngày 7-3-2007, báo Thanh niên Trung Quốc đã từng cảnh báo tình trạng ô nhiễm khủng khiếp của nước sông Hoàng Hà. Theo tờ báo này, chỉ sau 20 năm, cấp độ ô nhiễm đã tăng gấp đôi. Hàng chục chi lưu và phụ lưu sông Hoàng Hà trở thành nước cống. Tác giả bài báo đã đến TP Ô Hải thuộc khu tự trị Nội Mông để nghe một cư dân ngoại ô TP này mô tả: “Bầu trời ở đây bị khói đen che mờ, tia nắng không xuyên thủng. Nước sông thì đầy chất thải của nhà máy sản xuất khí axetilen, hợp kim ferro silicone, than cốc…”.
Theo ông Yuan - Phó Chủ tịch làng Bắc Sơn, huyện Gongwusu - kể từ ngày thành lập khu công nghiệp Xilaifeng năm 2001, nhiều người đã bỏ xứ vì nạn ô nhiễm không khí, nước sông và bệnh tật. Hai năm sau, nhiều dân làng bắt đầu mắc bệnh ung thư và những căn bệnh chưa từng có trước đó, nhất là về đường hô hấp.
Xilaifeng là 1 trong 4 khu công nghiệp mọc lên ở khu tam giác đô thị Ô Hải, Alxa và Ordos của Nội Mông cách đây 15 năm. Ba TP này từng thi đua lập khu công nghiệp trên một dải đất hẹp chỉ bằng chiếc khăn tay nằm dọc theo sông Hoàng Hà và đã trả giá rất đắt về môi trường.
Kể từ khi có khu công nghiệp Qipanjing, đàn dê cho lông dệt thành len Cashmere nổi tiếng trong khu vực sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2004, dê bắt đầu chết hàng loạt, những con sống sót thì lông chuyển sang màu đen. Thức ăn cho dê không còn hoặc độc hại. Năm 2007, cả làng chỉ còn một đàn dê 200 con của ông Wang Jila, tất cả người nuôi dê kỳ cựu đã di tản đi nơi khác. Ông Wang lo lắng: “Sắp tới, chắc không còn giống dê này”.
Khốn đốn vì nhà máy hóa chất
TP Đông Dinh, tỉnh Sơn Đông nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hoàng Hà. Hơn 10 năm qua, cuộc chiến giữa các nhà bảo vệ môi trường và nhà đầu tư công nghiệp hóa dầu vẫn chưa kết thúc. Khi Khu Phát triển Kinh tế Đông Dinh còn trên giấy, các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo chính quyền địa phương về hiểm họa ô nhiễm. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cương quyết triển khai dự án với 12 nhà máy hóa chất và hóa dầu, trong đó có 2 nhà máy nằm cách khu bảo tồn thiên nhiên đồng bằng sông Hoàng Hà chỉ 10 m.
Chính quyền Đông Dinh khẳng định đã xem xét kỹ bản thẩm định môi trường của một công ty có uy tín, theo đó mức độ tác động đến môi trường “nằm trong giới hạn cho phép” của Bộ Bảo vệ Môi trường. Trong khi tại quận Hà Khẩu, cách khu công nghiệp 10 km, ô nhiễm không khí và nước đầm lầy ngày càng rõ. Trong 2 năm 2010 và 2013 đã xảy ra 2 vụ rò rỉ khí hydro sunfua khiến dân chúng bất an. Cũng tại khu công nghiệp này, ngày 31-8-2015, xảy ra một vụ nổ ở nhà máy hóa chất khiến 1 người thiệt mạng. Trước sức ép của các nhà bảo vệ môi trường, chính quyền đã phải bỏ ra 20 tỉ nhân dân tệ (3,2 tỉ USD) để cải thiện môi trường. Một nhà máy hóa sinh trong khu công nghiệp cũng phải chi 7.000 nhân dân tệ (1.124 USD) cho 1 nông dân sau khi 5 con dê của người này uống nước gần nhà máy và chết vì ngộ độc.
Bình luận (0)