Tờ Phúc Châu Buổi tối dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Từ thiện Phúc Kiến tại Mỹ Trịnh Kỳ cho biết khoảng 20.000 trẻ em có quốc tịch Mỹ đang sống tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Nếu tính cả những quốc tịch khác, số lượng trẻ em gốc Trung Quốc ở đây lên đến 60.000.
Số lượng tăng đột biến
Cậu bé Olsen lí lắc tìm đủ cách để lôi chiếc ghế cao hơn mình từ phòng này sang phòng khác và cả ngày cứ lặp đi lặp lại trò đó. Bà ngoại của Olsen cứ phải tò tò theo sau vì sợ cậu bé tự làm đau mình. “Olsen! Thôi trò đó và nghỉ ngơi đi!” - vài người hàng xóm mắng giúp khi trông thấy cậu bé lăng xăng suốt.
Bất cứ khi nào nghe từ “Olsen”, cậu bé đều dừng lại và ngoái đầu về phía có tiếng gọi. Tuy nhiên, hễ mọi người gọi cậu bé là Hoàng Kiệt thì cậu chẳng phản ứng gì.
Olsen đuợc dì bế ngồi truớc màn hình máy vi tính để trò chuyện với cha mẹ. Ảnh: CHINA DAILY
Mặc dù việc đặt tên Tây cho con cái hiện rất được các cặp vợ chồng trẻ ở những thành phố lớn của Trung Quốc ưa thích, song trào lưu đó không hề ảnh hưởng đến ông bà của Olsen. Họ gọi cậu bé bằng tên Tây chỉ vì đó là tên thật, cái tên được in rành rành trong hộ chiếu. Olsen Hoàng sinh ra ở New York - Mỹ vào năm 2011 và được gửi về cho ông bà nuôi khi mới 100 ngày tuổi.
Thế nhưng, cậu bé Olsen không phải là trường hợp “bị bỏ lại” duy nhất tại trấn Quản Đầu (huyện Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến). Còn rất nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự ở các tỉnh ven biển khác như Quảng Đông.
Hiện trấn Quản Đầu có hơn 2.000 trẻ em sinh ở nước ngoài đang sống cùng với ông bà hoặc người thân. “Đa số gia đình ở đây đều có người thân làm việc ở khoảng 30 nước trên thế giới, song phần lớn là tại Mỹ, Canada và Nhật Bản” - bà Lâm Tú Châu, hiệu trưởng trường mầm non lớn nhất trấn Quản Đầu - ngôi trường có hơn 90% học trò mang quốc tịch nước ngoài - cho biết. “Khi trường bắt đầu hoạt động vào năm 2005, chỉ có 80 trẻ sinh ra ở nước ngoài đăng ký học nhưng con số này tăng mạnh sau nhiều năm” - bà Lâm nói.
Học về gốc gác
Hầu hết người Trung Quốc sống ở nước ngoài làm những công việc lao động tay chân hay kinh doanh nhỏ. Vì vậy, khối lượng công việc khá nặng nề khiến họ không thể chăm sóc tốt con cái. Hơn nữa, nhiều nước đề ra các quy định khắt khe về việc chăm sóc con cái, thậm chí bỏ tù cha mẹ nếu gây nguy hiểm cho con. Do đó, giải pháp khả thi trước mắt là gửi con cái cho người thân ở quê nhà khi chúng được vài tháng tuổi. Khi lên 4-5 tuổi, cha mẹ sẽ lại đưa chúng ra nước ngoài để đi học.
Trong thời gian trẻ em gốc Trung Quốc sống ở quê nhà, chúng sẽ được gặp và nói chuyện với cha mẹ qua máy vi tính. Điều này khiến không ít đứa bé khi được hỏi về cha mẹ, chúng đều trả lời là “máy vi tính”.
Bà Lâm Tú Châu cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi đều có nhiều trường hợp các em thôi học để quay trở về sống với cha mẹ ở nước ngoài. Thông thường, các cháu rời Trung Quốc khi lên 5 tuổi vì hộ chiếu Mỹ chỉ có giá trị trong 5 năm”.
Những đứa trẻ này không được học tiếng Anh vì nhiều phụ huynh cho rằng sẽ tốt hơn nếu để chúng tiếp xúc với tiếng Anh ở nước ngoài ngay từ đầu. Thay vào đó, trẻ em được dạy cách làm việc độc lập và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc cũng được đưa vào chương trình giảng dạy vì sẽ giúp chúng biết về gốc gác khi trưởng thành.
Bình luận (0)