Theo các chuyên gia và các nhà phân tích chính trị, nước Mỹ đang sống trong một thời kỳ mà nhiều yếu tố tác động cùng một lúc tạo ra những tình huống khiến cho chính trường Mỹ ngày càng phân cực rõ rệt thành hai khuynh hướng: tả và hữu.
Tiêu tốn gần 6 tỉ USD
Bầu cử sớm ở Miami, bang Florida, ngày 3-11. Ảnh: AP
Trong khi đó, Đảng Cộng hòa ngày càng bảo thủ hơn. Chẳng hạn như trong lĩnh vực chăm sóc người dân, theo cuộc khảo sát của Trung tâm Pew, năm 1987 có 62% những người theo Đảng Cộng hòa đồng ý rằng chính phủ cần chăm sóc những người không thể tự chăm sóc. Tuy nhiên, 25 năm sau, tỉ lệ này đã giảm mạnh, chỉ còn 40%.
Màu da và sự phân bố địa lý của hai đảng, yếu tố thứ hai, cũng đã có những thay đổi đáng kể. Trong khi tỉ lệ người da trắng trong Đảng Cộng hòa hầu như không thay đổi trong những năm gần đây ( 85%) thì số người da màu trong Đảng Dân chủ đã tăng lên rõ rệt, còn người da trắng giảm mạnh. Cụ thể, trong 12 năm qua, số người da trắng trong Đảng Dân chủ giảm từ 64% xuống 55%.
Về mặt địa lý, các bang miền Đông nước Mỹ ngày càng “xanh” hơn (màu xanh tượng trưng cho Đảng Dân chủ), còn các bang ở miền Nam và một phần miền Tây đỏ hơn (màu đỏ tượng trưng cho Đảng Cộng hòa).
Yếu tố thứ ba không thể bỏ qua là những người theo Đảng Dân chủ ôn hòa mất dần ảnh hưởng ở các bang miền Nam. Đây là một thiệt thòi lớn vì các bang miền Nam xưa nay được coi là lãnh địa của họ. Điều này cũng có nghĩa là miền Nam nước Mỹ được nhuộm “đỏ” đều hơn sau khi luật dân quyền được ban hành hồi thập niên 1960. Nó cũng cho thấy khuynh hướng ôn hòa trong Đảng Dân chủ nói chung yếu thế hơn trước đây.
Yếu tố truyền thông, tiền bạc và những lời nói cường điệu cũng ảnh hưởng lớn đến đầu óc đảng phái của người dân. Điều này thể hiện khá rõ trong cách tường thuật chiến dịch tranh cử của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ.
Để thu hút những người ủng hộ, các ban vận động bầu cử của hai đảng buộc phải chi bạo theo kiểu “lần sau cao hơn lần trước” mà theo tờ Washington Post đã lên tới con số kỷ lục gần 6 tỉ USD trong mùa bầu cử tổng thống năm nay. Các ứng cử viên cũng buộc phải đưa ra những tuyên bố cường điệu và một đường hướng chính trị cứng rắn hơn đối thủ.
Thọc gậy bánh xe
Trong bối cảnh đó dễ hiểu tại sao hai ông Obama và Mitt Romney đưa ra những chính sách đối nội và đối ngoại hoàn toàn đối nghịch nhau. Trong bầu không khí đậm chất ganh đua “sống mái” đó, những người ủng hộ cũng bị truyền nhiễm, tỏ ra cực đoan hơn, không chấp nhận bất cứ “lập luận nào của địch”.
Hệ thống chính trị của Mỹ hiện nay cũng là một yếu tố gây chia rẽ. Điều này được thể hiện rõ ở lưỡng viện quốc hội Mỹ. Chẳng hạn ở thượng viện, việc cản trở một dự luật đòi hỏi phải đạt số phiếu đa số tuyệt đối. Chính thủ tục này cho phép đảng này giáng đòn chí tử cho đảng đối lập, qua đó tôn vinh giá trị của đầu óc đảng phái cực đoan.
Ở hạ viện cũng xảy ra tình trạng tương tự. Kể từ năm 1994, sau 40 năm hạ viện nằm trong tay Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế, Đảng Cộng hòa mới chiếm được thế thượng phong ở hạ viện. Lợi dụng cơ hội này, từ năm 2007, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thẳng tay bác bỏ hơn 70% dự luật của Đảng Dân chủ trước khi nó được đưa ra biểu quyết tại quốc hội. So với thập niên 1980, tỉ lệ này chỉ có 27%; còn ở thập niên 1960 là 8%.
Theo ông Norman Ornstein, một nhà nghiên cứu về quốc hội Mỹ thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, tỉ lệ “thọc gậy bánh xe” kể trên của Đảng Cộng hòa là “cực kỳ không bình thường”. Và cũng thật là bất thường khi những người theo Đảng Cộng hòa ủng hộ nhiệt tình các lãnh tụ của họ trong việc này.
Ngay trong ngày ông Obama đăng quang tổng thống tháng 1- 2009, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã thề rằng chống lại mọi chính sách của ông Obama. Trong 4 năm qua, họ đã giữ đúng lời thề đó.
Kỳ tới: Kỳ vọng gì ở tân tổng thống Mỹ?
Bình luận (0)