Sự xuất hiện của internet và những công nghệ hiện đại đang giúp nhiều người không những dễ dàng tìm thấy một nửa của mình mà còn có thể kết hôn với họ từ xa một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Cô dâu ở Mỹ, chú rể tại Bangladesh
Với chiếc khăn đỏ trên mái tóc, cô Punam Chowdhury đang hồi hộp chờ đợi thời khắc thiêng liêng làm lễ thành hôn cùng anh Tanvir Ahmmed với sự chứng kiến của các quan khách tham dự thông qua chương trình gọi điện thoại internet Skype.
Hôn lễ được diễn ra khi cô Chowdhury, một công dân Mỹ, đang ở tại một nhà thờ Hồi giáo ở khu Queens tại thành phố New York - Mỹ. Trong khi đó, hôn phu của cô, Tanvir Ahmmed, lại ở trong phòng khách cùng một người làm chứng tại nhà mình ở Bangladesh.
Một lúc sau, mạng internet bị gián đoạn và buổi lễ kết thúc một cách đột ngột. Bước đầu làm quen của họ đều giống như những cặp đôi khác nhưng hầu hết đều diễn ra trên internet và họ chỉ gặp nhau ngoài đời một lần.
Đám cưới qua internet của cô Punam Chowdhury sống ở Mỹ và hôn phu đang ở Bangladesh.
Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tại Mỹ, kiểu kết hôn này thường được các binh sĩ sử dụng vì họ sợ sẽ bất ngờ tử trận, không để lại phúc lợi cho người thân yêu. Dù vậy, đã xuất hiện những lo ngại kiểu nghi thức cưới này đang bị lợi dụng bởi những người có ý đồ nhập cư thông qua hôn nhân giả hoặc những tội phạm dụ dỗ phụ nữ cả tin để bán cho đường dây mại dâm.
Thực tế, giới chức nhập cư Mỹ cho biết họ không biết đang có hoạt động kết hôn từ xa trong cộng đồng người nhập cư. Trong khi đó, ngay cả những người tổ chức các đám cưới từ xa cũng bày tỏ lo ngại về những mặt trái của nó.
Mất đi tính truyền thống
Mohd A. Qayyoom, người chủ trì hôn lễ cho cô Chowdhury, cho báo The New York Times biết ông đã từ chối làm lễ cho những người tìm cách kết hôn giả với anh em họ mình ở Đông Nam Á để có thể đưa họ đến Mỹ. Cô Mazeda A. Uddin, một nhà hoạt động cộng đồng ở Queens, chia sẻ cô đã không còn tổ chức đám cưới từ xa kể từ khi chứng kiến nhiều người kết hôn chỉ vì tấm thẻ xanh chứ không phải tìm kiếm một người bạn đời thực sự.
Nghiêm trọng hơn, Archi Pyati, phó giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Sanctuary for Families ở New York, cho biết họ thường xuyên chứng kiến hôn nhân từ xa bị lợi dụng, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến phụ nữ Tây Phi bị ép kết hôn mà không được sự đồng ý của chính họ. Ngoài ra, còn có một số trường hợp mà phụ nữ sau khi kết hôn trở thành nạn nhân của đường dây buôn bán mại dâm.
Về mặt kỹ thuật, đám cưới của cô Chowdhury và anh Ahmmed đã diễn ra ở Bangladesh chứ không phải New York, nơi không chấp nhận kiểu kết hôn này. Chỉ có một vài tiểu bang Mỹ cho phép kết hôn từ xa và thường yêu cầu cô dâu hoặc chú rể phải là người trong quân ngũ. Tuy nhiên, cũng có không ít người tỏ vẻ không tán thành với kiểu kết hôn từ xa vì mất đi tính truyền thống.
Cô Angela Troia, chủ một công ty tổ chức tiệc cưới ở New York, nói: “Điều đó thật kỳ lạ. Tôi nghĩ đám cưới là bước ngoặt đánh dấu một cuộc sống mới của các cặp đôi. Vì vậy, họ phải ở bên nhau trong giây phút thiêng liêng đó. Nếu không thì sẽ mất hết ý nghĩa”.
Bình luận (0)