Tin xấu đầu tiên đến với ông chủ Điện Malacanang, đó là cựu tổng thống Fidel Ramos xin rút khỏi vị trí đặc phái viên tại Trung Quốc. Văn phòng Tổng thống Duterte hôm 2-11 đã chính thức xác nhận thông tin này.
Đơn xin từ nhiệm của ông Ramos được công bố sau khi ông lần thứ hai chỉ trích nhà lãnh đạo Philippines về những phát ngôn xúc phạm Washington hôm 30-10. Ông cáo buộc Tổng thống Duterte phát ngôn đến mức làm hại chính mình và gây ảnh hưởng đến 101,5 triệu người dân Philippines.
“Ông ấy cho rằng xúc phạm thay vì thân thiện với đồng minh là “số phận” mà Thiên Chúa định đoạt cho mình. Tuy nhiên, điều này rõ ràng là sai” – ông Ramos nói.
Trong một lá thư trước đó, ông Ramos mô tả 100 ngày đầu tiên làm tổng thống của ông Duterte là “nỗi thất vọng lớn”. Ông đổ lỗi cho Tổng thống Duterte phát động chiến dịch trấn áp ma túy cướp đi hàng ngàn sinh mạng cũng như lên án sự chỉ trích của nhà lãnh đạo Philippines nhằm vào Mỹ và Liên Hiệp Quốc.
Mấy tháng qua, Tổng thống Duterte đã khiến mọi người ngạc nhiên khi kêu gọi lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi đảo Mindanao, đồng thời tuyên bố hủy bỏ các cuộc tập trận quân sự với Washington trong tương lai.
Ông Ramos tự hỏi liệu có phải Malina đang muốn vứt bỏ quan hệ hợp tác quân sự, chiến lược, vũ khí, tương tác giữa các binh sĩ hai bên vốn đã kéo dài nhiều thập kỷ hay không.
Bất chấp sự chỉ trích của ông Ramos, một phát ngôn viên của Tổng thống Duterte nói rằng đóng góp của ông Ramos rầt có giá trị đối với chính phủ. Một phụ tá khác của Tổng thống Duterte cho biết ông “thực sự ngạc nhiên” vì ông Ramos xin rút khỏi vị trí đặc phái viên tại Trung Quốc.
Trong khi đó, tin xấu thứ hai đến với nhà lãnh đạo Philippines, đó là Mỹ có thể dừng thỏa thuận bán 26.000 súng trường tấn công M4 cho Cảnh sát quốc gia Philippines.
Reuters hôm 1-11 đưa tin Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ tạm ngừng thỏa thuận do sự phản đối từ thượng nghị sĩ Benjamin L. Cardin, thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và là người chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận hoặc phủ nhận báo cáo của Reuters, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết ông “rất buồn” khi nghe tin trên. Nhưng Tổng thống Duterte vẫn cố tỏ ra lạc quan. Ông nói nếu không mua súng từ Mỹ thì có thể mua ở nơi khác, chẳng hạn từ Nga.
Tuy nhiên, việc dừng bán 26.000 súng trường chỉ là chuyện nhỏ so với khoản viện trợ 9 triệu USD mà Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết tài trợ cho chiến dịch chống ma túy và các chương trình thực thi pháp luật ở Philippines vào năm 2017.
Thêm vào đó, Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry cam kết hỗ trợ 32 triệu USD cho các chương trình thực thi pháp luật của Tổng thống Duterte vào mùa hè này. Tất cả có thể vỡ tan như bong bóng nếu Tổng thống Duterte tiếp tục chiến dịch thanh trừng nghi phạm ma túy đẫm máu cũng như không ngừng xúc phạm Mỹ.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 2-11, ông Duterte nói: “Nhìn những con khỉ này (chỉ người Mỹ), 26.000 súng trường chúng tôi muốn mua, họ không muốn bán. Các nhà lập pháp Mỹ là những tên ngốc. Chúng tôi có rất nhiều súng tự chế ở đây”.
Không dừng lại ở đó, một tuần sau khi Tổng thống Duterte thăm Trung Quốc (ngày 18 đến 21-10), Bắc Kinh từ chối để ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr khẳng định Philippines và Trung Quốc đạt được "hiểu biết chung thân thiện” cho phép ngư dân Philippines đánh cá quanh bãi cạn Scarborough.
Động thái trên cho thấy chuyến thăm của Tổng thống Duterte – trong đó có thảo luận về việc cho phép ngư dân Philippines quay trở lại ngư trường truyền thống là bãi cạn Scarborough – không hoàn toàn khả quan như ông mong đợi. Cộng với tuyên bố “có thể dựa vào Bắc Kinh dài dài”, ông Duterte chắc chắn phải suy nghĩ lại nếu muốn chấm dứt quan hệ đồng minh với Washington.
Bình luận (0)