Chàng trai 21 tuổi này dành cả ngày thơ thẩn dưới những cây xoài, vọc điện thoại, phụ mẹ những công việc lặt vặt và mơ về châu Âu.
Tất cả bạn bè và cả người anh em sinh đôi của Goundo đã bỏ làng đi tìm kiếm vận may ở nơi khác. Nhiều người dấn thân vào những con đường nguy hiểm băng qua sa mạc Sahara tới Libya, sau đó lên thuyền qua Địa Trung Hải đến Ý. Một số lên thuyền đến Morocco, rồi sang Tây Ban Nha. Tất cả đánh cược mạng sống hầu mong đến châu Âu cho bằng được, tìm việc làm và gửi tiền về nhà.
“Truyền thống di cư không hề mới đối với người Senegal. Đó là một khát vọng bình thường khi muốn đi đây đó và nơi ưa thích luôn là Pháp và các nước châu Âu” - bà Marie-Stella Ndiaye của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nhận định.
Báo The Guardian dẫn lời ông Abdul Anne, giám đốc Cơ quan Phát triển vùng Kolda, cho hay tình cảnh tại Sare Bakary không phải là chuyện hiếm bởi hầu hết ngôi làng ở khu vực ông quản lý đều vắng bóng thanh niên.
Lý do chính là không có gì cho họ làm để sống qua ngày. Làng quê giờ đất đai cằn cỗi và ít mưa - do tác động của biến đổi khí hậu - khiến việc làm nông khó khăn bội phần. Ngay cả các gia đình cũng không muốn con cái mình ở lại. Họ chấp nhận bán đất, bán bò để có tiền cho những cuộc hành trình đến châu Âu.
Thế nhưng, không phải cố xoay xở được tiền là giấc mơ châu Âu thành hiện thực, như trường hợp chồng của Ansatou Sabady, năm nay 35 tuổi và có 4 đứa con. Người phụ nữ này khánh kiệt khi cố cho chồng đi xứ người.
“Lần đầu, cha mẹ cho tiền. Lần thứ hai, chồng bán bò của tôi. Sang lần thứ ba, bán nốt con bò của cả hai vợ chồng. Bây giờ chúng tôi không có gì và chồng tôi đã từ bỏ giấc mộng. Vận may không mỉm cười với anh ấy” - Ansatou kể. Bên cạnh nhiều người kiếm sống ở tận châu Âu, không ít người đổ về đô thị địa phương, như TP Kolda, mong có được chút đỉnh tiền.
Trường hợp của Goundo thì khác. Trong một cuộc họp gia đình, người nhà Goundo quyết rằng anh chàng phải học cho xong rồi mới rời khỏi quê hương một cách hợp pháp và an toàn hơn, như bằng máy bay. Họ tin rằng việc học hành đến nơi đến chốn sẽ giúp Goundo kiếm được công việc tốt.
Dù vậy, việc phải quẩn quanh ở làng khiến Goundo cảm thấy bức bối, nhất là khi anh thấy niềm tự hào trên gương mặt của cha mẹ khi anh chị em Goundo gửi tiền về hoặc khi bạn bè khoe cuộc sống ở châu Âu trên mạng xã hội Facebook. “Trước đây, tôi không có gì. Tất cả mọi thứ tôi có hiện nay đều do các con gửi cho. Tôi có thể mua quần áo, thực phẩm và thuốc thang. Hồi trước, tôi đành phải nằm dài trên giường cho đến khi khỏe hơn” - bà Djenaba Sabaly, mẹ của Goundo, hớn hở ra mặt.
Bình luận (0)