Anh cùng người vợ tên Tomoko sống trong TP Saitama tràn ngập hoa anh đào gần thủ đô Tokyo. Họ đón cậu con trai đầu lòng và đặt tên là Tim. Họ có nhà và sau khi vay mượn ít nhiều đã mở được một tiệm ăn. Thế nhưng, kinh tế xuống dốc khiến hai vợ chồng nợ nần chồng chất. Họ rơi vào tình cảnh như hàng trăm ngàn người Nhật khác: Bán nhà, gói ghém đồ đạc và biến mất mãi mãi.
Họ được gọi là những người “bốc hơi”. Hiện tượng này lên tới đỉnh điểm sau Thế chiến II và 2 cuộc khủng hoảng tài chính 1989 và 2008 nhưng không được nhiều người ở Nhật biết đến. Từ giữa những năm 1990, theo tờ New York Post, ước tính ít nhất 100.000 người Nhật biến mất hằng năm. Chẳng ai bắt giữ họ cả. Chính họ chọn giải thoát sau khi trải qua những cú sốc lớn nhỏ trong cuộc sống như ly hôn, nợ nần, mất việc và thậm chí là thi rớt.
“Những kẻ biến mất: Người Nhật bốc hơi trong những câu chuyện và hình ảnh” chính là cuốn sách đầu tiên đề cập sâu sắc hiện tượng này. Tác giả - nhà báo người Pháp Léna Mauger - bắt đầu biết về hiện tượng này năm 2008 và dành 5 năm cùng người cộng tác tên Stéphane Remael theo đuổi những câu chuyện mà cả hai đều không thể tin nổi. “Người ta có thể biến mất bởi có một xã hội khác bên dưới xã hội Nhật Bản. Khi người ta biến mất, họ biết có thể tìm được một con đường để sinh tồn” - bà Mauger cho biết.
Theo khám phá của nhà báo Mauger, hóa ra những con người này trú ngụ trong một thành phố bị lãng quên. “TP Sanya không nằm trên bất cứ bản đồ chính thức nào. Về mặt kỹ thuật, nó hoàn toàn không tồn tại. Có thể gọi nó là một khu ổ chuột trong lòng Tokyo mà tên của thành phố đã bị chính quyền xóa sổ. Cư dân ở đó chỉ có thể tìm những công việc được cung cấp bởi các tổ chức tội phạm yakuza hoặc những ai muốn tuyển dụng lao động chui giá rẻ” - bà Mauger viết.
Những người “bốc hơi” sống trong các phòng khách sạn nhỏ và dơ dáy, thường không có internet cũng như nhà vệ sinh riêng. Phần lớn khách sạn này đều cấm nói chuyện sau 18 giờ. Tại đây, nhà báo Mauger đã gặp một người đàn ông 50 tuổi gọi mình là Norihiro. “Bốc hơi” từ 10 năm trước, Norihiro kể rằng ông đã ngoại tình nhưng điều khiến ông cảm thấy xấu hổ thật sự là mất công việc kỹ sư. Không biết phải ăn nói với gia đình ra sao, người đàn ông tội nghiệp sáng sáng vẫn hôn tạm biệt vợ rồi giả bộ đi làm. Tuy vậy, ông chỉ duy trì cuộc sống lừa dối này vỏn vẹn 1 tuần.
Cảm giác tội lỗi, nhục nhã đè nặng, ông quyết định bỏ đi không một lời từ biệt. Gia đình cho rằng ông đã bỏ mạng trong Rừng Tự tử. Theo tác giả Mauger, ông Norihiro dĩ nhiên không quên đường về nhà nhưng ông nói ông không bao giờ muốn gia đình thấy mình trong tình trạng hiện nay. “Nhìn tôi đi. Tôi chẳng là gì cả. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn bất cứ ai có thể nhận ra tôi” - Norihiro khắc khoải. Ông Yuichi, một công nhân xây dựng “bốc hơi” vào giữa những năm 1990 do cảm thấy có lỗi vì không kiếm đủ tiền sinh hoạt và nuôi mẹ già, nói thêm rằng những người như ông “đang chết dần chết mòn” ở đây.
Bình luận (0)