Xem xét diễn biến 2 vụ giết người man rợ ở Mỹ và Pháp hôm 12 và 13-6 do 2 người bản xứ gốc Nam Á gây ra, điểm chung của 2 tên hung thủ là biết dụng kế “kim thiền thoát xác” (ve sầu vàng lột xác) trong binh pháp Tôn Tử trước khi lộ nguyên hình là những tên sát thủ máu lạnh, có chính kiến và kế hoạch hành động hẳn hoi.
Nghệ thuật ẩn mình
Omar Mateen, kẻ xả súng bắn chết 49 người và làm bị thương 53 người khác tại hộp đêm Pulse ở TP Orlando, bang Florida - Mỹ, là một khách hàng từng đến hộp đêm của những người đồng tính nhiều lần trong 3 năm qua mà không gây ấn tượng đặc biệt nào.
Ty Smith, một khách hàng thân thiết của Pulse, kể lại trên tờ Orlando Sentinel: “Tôi đã gặp gã thanh niên này chừng chục lần. Chúng tôi thỉnh thoảng chào hỏi và trao đổi với nhau đôi ba câu. Có lúc tôi thấy gã ngồi thu mình trong góc quán, uống bia một mình”.
Kevin West, cũng là một khách hàng thường xuyên của quán Pulse, kể lại trên nhật báo The Los Angeles Times : “Tôi từng nói chuyện với Mateen trên ứng dụng hẹn hò Jack’d của giới đồng tính, không thường xuyên lắm, khoảng một năm trước khi xảy ra sự kiện đẫm máu 12-6. Đêm hôm ấy, tôi nhớ rõ có gặp gã trước quán, đầu đội mũ đen. Chúng tôi chào nhau như mọi khi”.
Trong khi đó, lời kể của Chris Callen, ca sĩ ở Pulse, trên đài CNN, rất đáng chú ý: “Tôi gặp Mateen nhiều lần. Gã rất thân thiện khi chúng tôi chào hỏi. Gã không giống chút nào với tên vừa làm cái việc ác nhơn đó. Thật không thể tin nổi”.
Thật vậy, ít ai - kể cả FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) - ngờ rằng đó là một kẻ sát thủ đang ru ngủ nạn nhân. Đó là một cách sống xa lạ với những tên khủng bố thông thường nhưng phù hợp với khái niệm Taqiya - tức nghệ thuật “giương Đông kích Tây” để tránh mọi sự nghi ngờ về ý đồ thật sự của mình.
Cuộc sống hai mặt
Trong lúc Omar Mateen ve vãn hộp đêm của những người đồng tính thì Larossi Abballa tích cực chia sẻ tâm trạng trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, với tư cách chủ quán Dr Food chuyên bán bánh mì kẹp thịt Halal (tiếng Ả Rập có nghĩa là không có chất cấm theo đạo Hồi) cho những người thích ăn đêm.
Ông chủ 25 tuổi mới mở quán hồi cuối năm 2015 ở Mantes-la-Jolie, tỉnh Yvelines - Pháp. Larossi “hồn nhiên” kể lại cho các bạn trên Facebook và các mạng xã hội khác nghe cuộc kiếm ăn vất vả nhưng không nhàm chán của hắn.
Trước đó, nhiều người trong số bạn học và hàng xóm đồng trang lứa xác nhận Larossi là một chàng trai bình dị như bao người khác. Từ nhỏ tới lớn, Larossi sống ở Mureaux (Yvelines), khu phố Musiciens với cha mẹ và 3 em gái trong một ngôi nhà nằm cạnh xa lộ nối liền Paris với vùng Normandie thuộc Tây Bắc Pháp.
Kamel, một người quen biết Larossi từ nhỏ, kể lại trên tờ Liberation: “Bạn ấy là người tốt bụng, vui vẻ, không ồn ào, thích giúp đỡ người khác”. Bạn gái cũ của hắn cũng mô tả “Larossi thích ăn mặc chải chuốt, vui đùa, tích cực tham gia các lễ hội”. Người tình 5 năm của Larossi khẳng định trên trang tin điện tử France Info: “Chưa có lúc nào tôi nghi ngờ anh ấy là một tín đồ Hồi giáo cực đoan”. Cô cho biết Larossi từng lên án vụ khủng bố ngày 13-11-2015 trước mặt mình: “Em thấy báo chí nói về đạo (Hồi) của chúng ta như thế nào không? Những tín đồ Hồi giáo chân chính không bao giờ hành động như vậy. Đó là những kẻ không ra gì” - hắn nhấn mạnh.
Đúng là chàng trai Pháp này từng ăn cơm tù về tội trộm cắp, trữ đồ gian và bạo hành. Nhưng đối với một thanh niên gốc Nam Á thường xuyên thất nghiệp như Larossi thì cũng không có gì quá đặc biệt. Năm 2013, hắn mới gặp rắc rối lớn, bị tòa án Paris kết án 2 năm 6 tháng tù ở và 6 tháng tù treo về tội “cấu kết với những thành phần bất hảo chuẩn bị hành động khủng bố”, cụ thể là tuyển dụng và đào tạo 8 thanh niên cùng trang lứa để đưa sang Pakistan tham gia phong trào thánh chiến. Mãn hạn tù, “vết chàm” này đã được Larossi chủ động chôn vùi trong quá khứ, ít nhất trong mắt cơ quan công quyền.
Sau một thời gian theo dõi, nghe lén điện thoại di động, DGSI (Tổng cục An ninh Nội chính Pháp) kết luận rằng hoạt động xã hội của đối tượng “không có gì đáng kể”. Cơ quan chuyên trách theo dõi hắn trong thời gian thử thách đến cuối năm 2015 cũng không phát hiện điều gì bất thường. Ngoài chuyện mở tiệm bán thức ăn nhanh, Larossi chăm chỉ đi lễ, cầu nguyện tại các thánh đường Hồi giáo.
Mãi đến sau này, khi Larossi ra tay cực kỳ tàn độc với vợ chồng một sĩ quan cảnh sát, các chuyên gia trong giới chống khủng bố Pháp mới tự hỏi: “Phải chăng Larossi là bậc thầy trong nghệ thuật Taqiya?”. Đối với cư dân khu phố Musiciens, Larossi lộ nguyên hình là một kẻ sống 2 mặt. Riêng chuyện biến thành một tín đồ Hồi giáo cực đoan cũng được hắn giải thích khá mơ hồ: “Tôi theo đạo (Hồi) vì một chuyện tình éo le. Tôi thất tình vì nàng bỏ tôi đi theo người khác”.
Chỉ có điều, người dẫn dắt Larossi đến với đạo Hồi là một gã xấu có tên Charaf-Din Aberouz. Tên này dụ dỗ thanh niên địa phương vào đạo để huấn luyện thành “chiến binh thánh chiến”. Aberouz từng ở tù chung với Larossi vì chuyện này.
Kỳ tới: Đồng tính tự dán nhãn IS
Vợ là đồng phạm?
Ở chung một nhà, thật vô lý nếu nói người vợ không biết chồng có ý đồ lạ và xấu. Đó là trường hợp của Noor Zahi Salman, vợ thứ hai của Omar Mateen. Thượng nghị sĩ Angus King, Ủy viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho rằng bà Salman không thể không biết âm mưu của chồng. FBI đang điều tra bà ta vì có nhiều dấu hiệu là đồng phạm.
Đài CNN cho biết khoảng 4 giờ ngày 12-6, tức 2 giờ sau khi bắt đầu tấn công quán Pulse, Mateen nhắn tin hỏi vợ có hay tin gì chưa. Bà Salman trả lời “chưa” và nói “em yêu anh”. Salman sau đó cố gắng gọi chồng nhiều lần nhưng Mateen không trả lời vì đang say máu. CNN nhận định rằng Salman biết chồng đang làm gì. Cũng có thể Salman gọi chồng để ngăn cản nhưng việc trước đó bà ta không báo cảnh sát là một chứng cứ can tội đồng phạm. Theo cuộc điều tra sơ bộ, bà ta từng lái xe chở chồng đến quán Pulse nhiều lần. Lúc gã mua súng đạn vài ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát, bà ta cũng đi cùng chồng.
Bình luận (0)