Bầu cử tổng thống Mỹ
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ thống trị chính trường Mỹ (bầu cử diễn ra ngày 4-11-2016). Đang dẫn đầu phe Cộng hòa với đông đảo ứng cử viên là 2 nhân vật “tay ngang” - tỉ phú Donald Trump và nhà phẫu thuật thần kinh về hưu Ben Carson. Dù vậy, nhiều khả năng cuối cùng họ sẽ sẩy chân, theo dự đoán của báo Anh The Guardian.
Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, được gọi là người thừa kế tự nhiên của Tổng thống Barack Obama, hiện là sự lựa chọn số 1 của phe Dân chủ. Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm của bà - thượng nghị sĩ Bernie Sanders - có thể trở thành ứng cử viên tại đại hội Đảng Dân chủ vào tháng 7-2016, theo kênh Newsmax TV.
Anh từ giã EU?
Cuộc thăm dò dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) có thể diễn ra ở Anh vào tháng 9-2016. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng Thủ tướng David Cameron sẽ không trì hoãn cuộc thăm dò đã hứa hẹn từ lâu này sang năm sau.
Hai phe ủng hộ và phản đối đang tranh cãi đủ thứ vấn đề, như ở lại EU sẽ giữ được bao nhiêu việc làm, ra đi sẽ chặn được bao nhiêu di dân đến Anh, GDP bị ảnh hưởng ra sao… Lúc đó, số người ủng hộ Anh chia tay EU đang giành ưu thế. Thế nhưng, không một ai dám nói trước điều gì về kết quả.
Nga vẫn là ẩn số
Năm thứ 16 điều hành nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có lẽ là điều khó dự đoán bậc nhất lúc này sau khi không quân Nga lần đầu mở chiến dịch ngoài lãnh thổ Liên Xô cũ (ở Syria), Nga can dự ở Ukraine và kinh tế Nga lao đao trong lúc giá dầu vẫn ở mức thấp. Đã vậy, những sự kiện kiểu như Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11-2015 có thể đảo ngược hoàn toàn các chính sách.
Khó đánh giá về tương lai nước Nga một phần vì hệ thống chính trị ở đây phụ thuộc vào nhân vật ở trên đỉnh cao quyền lực - Tổng thống Putin. Nước Nga sẽ đi qua năm 2016 và tiến tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố, từ giá dầu đến tình hình thế giới cũng như sức khỏe của chính ông Putin.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là nữ?
Đến cuối năm 2016, Liên Hiệp Quốc sẽ có tân tổng thư ký - chức vụ lâu nay được gọi là “nhà ngoại giao trưởng của thế giới”. Nhiều khả năng lần đầu tiên một phụ nữ sẽ ngồi vào ghế này, thay thế ông Ban Ki-moon, người được chọn vào năm 2006 một phần nhờ không phải là mối đe dọa đối với các cường quốc trên thế giới.
Đơn cử một vài gương mặt sáng giá hiện nay: cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic; Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova và ủy viên ngân sách EU Kristalina Georgieva, cả hai đều là người Bulgaria. Ngoài ra, còn có các ứng viên tiềm năng khác như cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd.
Bình luận (0)