TP Hàng Châu đứng đầu danh sách các thành phố có số lượng triệu phú tăng nhanh nhất khi số triệu phú của thành phố này tăng hơn gấp đôi trong 1 thập kỷ. Báo cáo cho thấy từ năm 2012 đến năm 2022, số cá nhân sống ở đó có tài sản có thể đầu tư trị giá hơn 1 triệu USD đã tăng 105%. Hai thành phố khác của Trung Quốc là Thâm Quyến và Quảng Châu cũng nằm trong tốp 10, lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 7.
Người giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành và con trai. Ảnh: SCMP
Cùng với Trung Quốc, 3 thành phố của Mỹ gồm Austin (thứ 2), West Palm Beach (thứ 4), Scottsdale (thứ 5) cũng có tên trong danh sách này. Đáng chú ý là không có thành phố châu Âu nào lọt vào tốp 10. Các thành phố còn lại trong danh sách là Bengaluru (thứ 6), Sharjah (thứ 8), TP HCM (thứ 9), Hyderabad (thứ 10).
Trong danh sách các thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới, New York (Mỹ) đứng đầu với 340.000 cư dân có tài sản trị giá hơn 1 triệu USD. New York có 58 tỉ phú và 724 cá nhân có giá trị ròng hơn 100 triệu USD. Các thành phố khác của Mỹ cũng nằm trong top 10 là San Francisco Bay Area và Los Angeles, lần lượt xếp vị trí thứ 3 và thứ 6.
Báo cáo cũng cho biết Tokyo (Nhật Bản), thành phố được xếp hạng cao nhất ở châu Á, giành vị trí thứ hai trên toàn cầu mặc dù có số lượng cư dân tỉ phú tương đối thấp chỉ ở mức 14 người. London, đứng thứ 4, cao nhất trong số các thành phố châu Âu, do có 258.000 cá nhân triệu phú, trong đó có 36 tỉ phú.
Cũng theo công ty tư vấn di cư có trụ sở tại London, cộng đồng triệu phú của Hồng Kông (Trung Quốc) đã bị thu hẹp, tụt lại phía sau đối thủ Singapore khi nhóm cư dân cực kỳ giàu có ở đặc khu giảm hơn 1/4. Hồng Kông và Singapore đã công bố nhiều ưu đãi khác nhau để thu hút đầu tư trong cuộc cạnh tranh trở thành trung tâm quản lý tài sản của khu vực.
Hồng Kông đứng thứ 7, trượt từ vị trí thứ 4 vào năm 2021. Việc Hồng Kông tụt hạng trong bảng xếp hạng diễn ra sau khi tổ chức tư vấn này cảnh báo hồi năm ngoái rằng ước tính có khoảng 3.000 triệu phú rời Hồng Kông vì các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 đã làm giảm sức hấp dẫn của nơi này với vị thế là một trung tâm tài chính. Hồng Kông đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế trong năm nay và đang nỗ lực mạnh mẽ để thu hút các nhà đầu tư, cá nhân và doanh nghiệp giàu có quay lại hoặc đầu tư vào đặc khu này.
Theo tờ South China Morning Post, đứng thứ 5 là Singapore, nơi được xem là thành phố thân thiện với doanh nghiệp nhất trên thế giới và là một trong những điểm đến hàng đầu của các triệu phú di cư, với khoảng 2.800 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao đã chuyển đến đây vào năm 2022.
Bắc Kinh có 128.200 triệu phú và Thượng Hải với 127.200 triệu phú lần lượt chiếm vị trí thứ 8 và thứ 9, hai thành phố này đã cải thiện thứ hạng trong thập kỷ qua. Vị trí thứ 10 là TP Sydney-Úc với 126.900 triệu phú.
Bình luận (0)