Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) tỏ ra lo ngại về đảo Fonoi và Mango, nơi có lần lượt 36 và 69 người sinh sống. Hầu hết các phương thức liên lạc với bên ngoài vẫn bị gián đoạn và các gia đình có thân nhân mắc kẹt đang hồi hộp chờ đợi tin tức.
Lãnh đạo công ty Southern Cross Cable Network, mạng cáp viễn thông xuyên Thái Bình Dương, cho biết có thể mất 2 tuần để khôi phục tuyến cáp Internet với Tonga.
Sau khi vụ phun trào núi lửa dẫn tới sóng thần đã khiến Tonga gần như không thể liên lạc. Ảnh: UNOSAT
Ngày 17-1, Úc và New Zealand đã thực hiện các chuyến bay giám sát để đánh giá thiệt hại sau khi Tonga bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Ủy ban cấp cao New Zealand ban đầu đã báo cáo thiệt hại dọc theo bờ biển phía Tây của đảo chính Tongatapu, nơi có nhiều khu nghỉ mát và thủ đô Nuku’alofa sau đợt núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào. Theo chủ khu nghỉ dưỡng bờ biển Ha’atafu (cách thủ đô Nuku’alofa khoảng 21 km về phía Tây), khu nghỉ dưỡng đã bị "xóa sổ hoàn toàn".
Phía New Zealand cho biết một lớp tro dày bao phủ toàn hòn đảo, đồng thời cho biết họ đang ưu tiên nỗ lực thiết lập liên lạc với các đảo nhỏ hơn. Hình ảnh vệ tinh do OCHA đăng tải cho thấy nhiều công trình kiến trúc trên đảo Nomuka có ghi nhận thiệt hại.
Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc, ông Zed Seselja, cho biết cảnh sát Úc đã đến các bãi biển Tonga và ghi nhận thiệt hại đáng kể, "nhiều ngôi nhà bị văng khắp nơi". Theo Reuters, ông Zed Seselja cho biết sân bay có thể mở cửa lại vào ngày 19-1.
Bờ biển đảo chính của Tonga thiệt hại nghiêm trọng. Ảnh: UNOSAT
Liên Hiệp Quốc phân tích hình ảnh vệ tinh từ đảo Nomuku cho thấy hầu hết tất cả các cấu trúc đều bị bao phủ bởi tro bụi và khoảng 40% cấu trúc đã bị hư hại. OCHA cho rằng không thể loại trừ khả năng lần hoạt động tiếp theo của núi lửa, đồng thời nói thêm chưa có đánh giá chính thức về tình hình ở các đảo khác.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trước đó cho biết các tảng đá và tàu thuyền đã dạt vào bờ biển Tongatapu, hòn đảo lớn nhất của Tonga, cách núi lửa khoảng 65 km về phía Nam.
Hiện chưa có xác nhận chính thức về thương vong cũng như và quy mô thiệt hại từ chính quyền Tonga nhưng gia đình của bà Angela Glover (phụ nữ Anh mất tích trong trận sóng thần, 50 tuổi) cho biết đã tìm thấy thi thể của bà.
Anh trai của Angela Glover cho biết bà thiệt mạng khi cố giải cứu đàn chó mình chăm sóc tại cơ sở cứu hộ do vợ chồng bà mở ra. Truyền thông trước đó đưa tin bà Glover mất tích sau khi bị sóng cuốn trôi, còn chồng thì bám được vào một cái cây.
Bà Angela Glover và chồng. Ảnh: Daily Mail
Cột tro bụi từ núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai hôm 15-1. Ảnh: OCHA
Hội Chữ thập đỏ cho biết họ đang huy động mạng lưới của mình để ứng phó với điều mà họ gọi là vụ phun trào núi lửa tồi tệ nhất mà Thái Bình Dương từng trải qua trong nhiều thập kỷ.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào thường xuyên trong vài thập kỷ qua nhưng tác động của vụ phun trào mới nhất có thể cảm nhận được ở những địa phương xa như Fiji, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản.
Có hai người chết đuối trên một bãi biển ở miền bắc Peru do sóng dâng cao bất thường.
Nhà dự báo thuộc trang dự báo thời tiết Weather Watch của New Zealand cho biết hơn một ngày sau vụ phun trào, các quốc gia cách hàng ngàn km về phía Tây, có những đám mây tro núi lửa bao phủ.
Sóng lớn tràn vào khu ven biển Tongatapu, đảo lớn nhất Tonga, hôm 15-1. Ảnh: Twitter
Bình luận (0)