Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết sóng thần cao 1,2 m tràn vào các đảo Amami Oshima và Tokara ở phía Nam vào khoảng 23 giờ 55 phút ngày 15-1 (giờ địa phương) và cảnh báo có thể xuất hiện sóng thần cao tới 3 m ở những khu vực này trong ngày 16-1.
Do đó, nhà chức trách ban đầu ban bố cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ sóng thần đối với các đảo Amami và Tokara, sau đó mở rộng ra khu vực bờ biển của tỉnh Iwate. Theo The Japan Times, Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn cho biết ít nhất 210.000 người ở 7 tỉnh ( gồm Aomori, Iwate, Miyagi, Chiba, Kochi, Miyazaki và Kagoshima) được yêu cầu tránh xa bờ biển.
Giới chức Nhật Bản ban bố cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ sóng thần đối với các đảo Amami và Tokara. Ảnh: ANN
Các đợt sóng dưới 1 m được báo cáo tại một số khu vực dọc bờ biển, từ tỉnh Hokkaido đến tỉnh Okinawa, cũng như các khu vực phía Tây Nam tỉnh Kochi và tỉnh Wakayama.
Cảnh báo về sóng thần ít nghiêm trọng hơn đã được đưa ra cho phần còn lại của khu vực duyên hải Thái Bình Dương của Nhật Bản, người dân được yêu cầu tránh xa bãi biển và cửa sông cho đến khi thông báo về sóng thần được dỡ bỏ.
Người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng đã được sơ tán. Đài NHK chuyển sang chương trình đặc biệt và phát sóng cảnh quay trực tiếp từ các cảng ở các khu vực bị ảnh hưởng, kêu gọi cư dân sơ tán đến vùng đất cao hơn.
Tuy nhiên, cảnh quay không cho thấy dấu hiệu bất thường rõ ràng. Ngoài ra, NHK cho biết chưa có ghi nhận về thiệt hại hoặc thương vong.
Cảnh báo sóng thần (màu đỏ) được ban hành cho các khu vực xung quanh đảo Amami phía Nam Nhật Bản và chuỗi đảo Tokara ở tỉnh Kagoshima. Khuyến cáo (màu vàng) được ban hành cho các khu vực ven biển. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
Một quan chức cơ quan thời tiết trước đó nói trong cuộc họp báo trên truyền hình lúc nửa đêm rằng cơ quan khí tượng đã phát hiện sự thay đổi thủy triều cao hơn 1 m sau 23 giờ đêm 15-1. Quan chức này cho biết sự thay đổi của mực nước biển không theo mô hình quen thuộc của các đợt sóng thần theo sau động đất.
Họ không lập tức phân loại đây là sóng thần nhưng quyết định kích hoạt hệ thống cảnh báo sóng thần công cộng để thúc giục người dân TP Amami sơ tán. Một quan chức địa phương khi đó cho biết: "Tại thời điểm này, chúng tôi không biết liệu đây có phải là sóng thần hay không nhưng có sự thay đổi thủy triều".
Sau các cảnh báo sóng thần, chính phủ Nhật Bản thành lập một văn phòng liên lạc tại văn phòng thủ tướng để thu thập thông tin.
Núi lửa dưới đáy biển phun trào, sóng thần ập vào Tonga
Nhiều nước trong đó có Mỹ, Canada, New Zealand, Fiji và các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương ngày 15-1 ban bố cảnh báo sóng thần trong bối cảnh sóng thần đã ập vào bờ biển Tonga sau khi núi lửa dưới biển phun trào dữ dội.
Mỹ đã ban bố cảnh báo sóng thần ở khu vực bờ Tây từ bang California đến bang Alaska và Hawaii, trong khi Canada cảnh báo sóng thần ở tỉnh cực Tây British Columbia. New Zealand cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần ở khu vực bờ biển miền Bắc và miền Đông. Tại Fiji, giới chức cũng ban bố cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân tránh xa bờ biển do có các con sóng nguy hiểm.
Sóng thần gây thiệt hại ở Tonga. Ảnh: Daily Mail
Đám mây bụi trùm lên Tonga sau khi núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai phun trào hôm 15-1. Ảnh: Chính phủ Tonga
Người dân Tonga sơ tán sau khi sóng thần ập vào. Ảnh: Daily Mail
Bình luận (0)