Tổng thống đắc cử Joe Biden hôm 7-1 hoàn tất quá trình lựa chọn nhân sự cho nội các của mình, đề cử 15 người vào vị trí lãnh đạo các cơ quan liên bang. Thống đốc bang Rhode Island, bà Gina Raimondo và Thị trưởng Boston Marty Walsh là những thành viên cuối cùng được chỉ định vào nội các của ông Biden, lần lượt vào các vị trí Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Lao động. Hai vị trí này giúp định hình chương trình nghị sự của ông về biến đổi khí hậu, công nghệ, đầu tư, lương tối thiểu, cũng như các quy định khác về lực lượng lao động và chính sách.
Trước đó, ông Biden cũng đề cử thẩm phán Merrick Garland làm Bộ trưởng Tư pháp. Cùng với những quan chức hàng đầu khác, họ sẽ "mở ra một làn sóng nguồn lực lao động mới, giúp các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn phục hồi và tái mở cửa, đồng thời đưa người Mỹ trở lại làm việc bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm được trả lương cao trong các nghiệp đoàn", nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden tuyên bố.
Một khi nhậm chức vào ngày 20-1 tới, ông Biden sẽ tập trung đối phó một loạt thách thức đối nội như chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, xử lý vấn đề phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế… Với việc kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện, Đảng Dân chủ có cơ hội thúc đẩy phần lớn chương trình nghị sự của ông Biden. Trước mắt, theo báo The New York Times, ông Biden nhiều khả năng tập trung thực hiện cam kết theo đuổi gói trợ cấp Covid-19 mới để nâng mức viện trợ trực tiếp cho người dân lên 2.000 USD/người, mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ các chính quyền bang và địa phương, bên cạnh các gói cứu trợ bổ sung cho doanh nghiệp nhỏ.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden tại trụ sở chuyển giao quyền lực ở TP Wilmington, bang Delaware hôm 7-1 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, không dễ để ông Biden tìm được sự đồng thuận đối với toàn bộ chính sách chống biến đổi khí hậu của mình, trong đó khoản chi 2.000 tỉ USD dành cho các sáng kiến xanh và tham vọng loại bỏ ô nhiễm khí nhà kính vào năm 2050. Nhà lãnh đạo này có thể sử dụng những đạo luật đầu tiên để thúc đẩy chi tiêu hàng trăm tỉ USD vào các dự án năng lượng tái tạo và xem đây là một phần trong các biện pháp kích thích kinh tế và phát triển hạ tầng.
Về chính sách đối ngoại, ông Biden đã đề ra những nguyên tắc trọng tâm, trong đó có tham vấn đồng minh, tham gia vào các định chế quốc tế và ưu tiên chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông còn lên kế hoạch đảo ngược nhanh chóng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump để hàn gắn các mối quan hệ đồng minh, đặc biệt là tại châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện những kế hoạch này, ông Biden có thể đối mặt một vụ phóng thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên, các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài hoặc những động thái của Iran ở vịnh Ba Tư, buộc ông phải thay đổi ưu tiên để giải quyết.
Trong một số mối quan hệ, chẳng hạn như với Triều Tiên và Venezuela, trở ngại lớn nhất của ông Biden là không có lựa chọn nào tốt. Riêng với Nga, theo đài ABC News, ông Biden được cho là sẽ có hướng tiếp cận cứng rắn hơn so với ông Trump. Dù vậy, ông Biden nhiều khả năng tiếp tục duy trì nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm, như trừng phạt Moscow vì vấn đề Ukraine. Đây vốn là điều Điện Kremlin lường trước, thể hiện qua tuyên bố của phát ngôn viên Tổng thống Vladimir Putin rằng họ không kỳ vọng có "điều gì tích cực" từ sự thay đổi chính quyền ở Mỹ.
Mục tiêu kép trong quan hệ với Trung Quốc
Giới quan sát nhận định nữ Thống đốc bang Rhode Island Gina Raimondo, người được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ, có thể đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, họ nhấn mạnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục căng thẳng và chiến lược tổng thể của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh dưới thời ông Joe Biden sẽ không thay đổi đáng kể so với thời Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, ông Biden muốn kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực và trên thế giới nhưng tránh để quan hệ Mỹ - Trung Quốc trở thành một cuộc xung đột toàn cầu. Để đạt được mục tiêu kép này, chính quyền ông Biden cần hợp tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có chung mối bận tâm như thương mại, biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng..., đồng thời có lập trường cứng rắn đối với các hành động gây hấn của nước này.
Ông Biden nhiều khả năng duy trì hoặc thậm chí tăng cường các biện pháp trừng phạt mà ông Trump đã áp đặt lên các quan chức Trung Quốc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này có thể tiếp tục cho tiến hành hoạt động hải quân chung giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Á. Ông Richard Javad Heydarian, chuyên gia về các vấn đề địa chính trị và kinh tế châu Á, nhận định với kênh Al Jazeera rằng Tổng thống đắc cử Mỹ cần phải cân bằng thành công giữa răn đe và hợp tác để Washington đối đầu hiệu quả với Bắc Kinh.
Xuân Mai
Bình luận (0)