Trong bước đi phản ánh niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 0%-0,25% lên 0,25%-0,5% hôm 16-12 (giờ địa phương).
Chứng khoán xanh sàn
Theo FED, lần tăng lãi suất đầu tiên trong gần 10 năm qua này là một phần của tiến trình diễn ra “từ từ” nhằm đưa lãi suất trở lại bình thường sau nhiều năm tiệm cận mức 0%. Trong tuyên bố đưa ra sau 2 ngày nhóm họp, FED nêu rõ thị trường lao động Mỹ đã cải thiện đáng kể trong năm nay, đồng thời tin rằng lạm phát sẽ tăng lên mức 2% như mục tiêu đề ra trong trung hạn.
So với cuộc họp hồi tháng 9, những dự báo của FED về kinh tế Mỹ tại cuộc họp trên không thay đổi nhiều: tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 4,7% và kinh tế tăng trưởng 2,4% trong năm 2016. FED cũng dự báo lãi suất phù hợp vào thời điểm cuối năm 2016 là 1,375%, qua đó báo hiệu ít nhất 4 lần tăng lãi suất nữa trong năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch FED Janet Yellen giải thích quyết định tăng lãi suất là sự thừa nhận về những tiến triển đạt được trong thị trường lao động, dù vẫn còn lo ngại về tăng trưởng tiền lương. Ngoài ra, bà tin nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chống chọi các biến động bất thường đến từ “những diễn biến ở nước ngoài”, đồng thời khẳng định các động thái tiếp theo của FED sẽ phụ thuộc vào kinh tế đất nước.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm ngày 17-12 sau khi FED quyết định tăng lãi suất Ảnh: Reuters
Quyết định của FED ngay lập tức được giới đầu tư chào đón, thể hiện qua sự tăng điểm của các thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu ngày 17-12. Theo Reuters, ngoài việc xem bước đi trên là bằng chứng về niềm tin của FED đối với “sức khỏe” nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhà đầu tư còn được trấn an bởi kịch bản lãi suất sẽ được tăng từ từ.
“Đối mặt những rủi ro về giảm phát đang diễn ra và tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn chậm, FED sẽ phải thận trọng trong những lần tăng lãi suất tiếp theo” - ông Shane Oliver, phụ trách chiến lược đầu tư tại Công ty AMP Capital (Úc), nhận định.
Phép thử cho kinh tế Mỹ
Bước đi trên đã khép lại thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục - một phần trong các chính sách khác thường và gây tranh cãi mà FED áp dụng để kích thích nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
FED hạ lãi suất xuống mức gần 0% vào tháng 12-2008, 3 tháng trước khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ và 10 tháng trước khi tỉ lệ thất nghiệp lên mức cao kỷ lục 10%. Vì thế, tờ The Wall Street Journal bình luận quyết định nâng lãi suất là phép thử đối với khả năng “tự thân vận động” của kinh tế Mỹ sau khi nhận được ít sự hỗ trợ hơn từ FED để thúc đẩy các hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu và đầu tư.
Nỗi lo ở đây là kế hoạch tăng dần lãi suất của FED (dự kiến đạt 2,375% vào cuối năm 2017) có thể phá sản bởi những yếu tố như lạm phát thấp kéo dài, hệ thống tài chính bị một cú sốc nào đó hoặc phần còn lại của thế giới tăng trưởng chậm lại. Khi đó, FED có thể phải trì hoãn tăng lãi suất hoặc thậm chí là hạ lãi suất.
Ông William Spriggs, giáo sư kinh tế của Trường ĐH Howard (Mỹ), chỉ trích FED đã phạm sai lầm khi tăng lãi suất và cam kết tiếp tục làm thế. Theo ông, bước đi này sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và người lao động bị tổn thương giữa lúc các hộ gia đình vẫn đang trong quá trình phục hồi từ cuộc suy thoái.
Đối với kinh tế thế giới, mức tăng 0,25% mà FED đưa ra không nhiều nhưng lại có tác động lớn. Trước hết, theo các chuyên gia, các nền kinh tế mới nổi có thể bị tác động tiêu cực. Lãi suất đồng USD cao hơn có thể khuyến khích dòng vốn chảy ra khỏi những thị trường này do giới đầu tư quay trở lại thị trường Mỹ với hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Những nước, doanh nghiệp nợ vay bằng USD có thể phải trả nhiều hơn do giá trị đồng tiền này thường tăng sau khi FED nâng lãi suất. Thực tế là, theo Reuters, chỉ số USD - dùng để đo lường tương quan giá trị của USD với một rổ 6 đồng tiền mạnh - đã tăng 0,8% ngày 17-12.
Việc đồng USD mạnh lên, cộng với nguồn cung thừa mứa, khiến giá dầu cùng ngày hướng đến mức thấp nhất trong 11 năm qua. Giá kim loại quý, trong đó có vàng, cũng sụt giảm. Theo hãng tin AP, đồng USD tăng giá trị khiến những hàng hóa cơ bản được định giá bằng USD (dầu, vàng...) trở nên đắt đỏ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác, từ đó tác động tiêu cực đến nhu cầu trên thị trường.
Nhiều nước lo ngại
Nhiều nền kinh tế mới nổi có lý do để lo ngại sau khi FED nâng lãi suất. Theo đài CNN, chính phủ và công ty tại những nước này đã vay mượn nhiều bằng đồng USD trong một thập kỷ qua do lãi suất thấp. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư từng ồ ạt đổ vào những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Mỹ Latin... có thể đảo ngược vì quyết định của FED. Theo thống kê, khoảng 1.000 tỉ USD bị rút khỏi các thị trường mới nổi từ giữa tháng 7-2014 đến tháng 8-2015.
Theo Công ty Tư vấn Fathom Consulting (Anh), Brazil là quốc gia mới nổi bị tổn thương nhiều nhất từ động thái trên của FED. Nền kinh tế nước này đã sụt giảm 1,7% trong quý III/2015, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 12 năm, còn giá trị đồng nội tệ giảm 31% so với USD kể từ đầu năm đến giờ. Brazil hiện có khoản nợ bằng đồng USD nhiều thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước này vay mượn hàng tỉ USD trong thập niên qua và có nguy cơ không trả được nợ nếu đồng USD tiếp tục tăng giá trị so với đồng nội tệ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thiệt hại nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên bởi nước này nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Kinh tế nước này được dự báo chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay. Nam Phi trả giá vì vay mượn quá nhiều bằng USD vào thời điểm lãi suất thấp. Một số nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản (dầu, kim loại quý...) như Nga, Venezuela... có thể thiệt hại. Riêng Trung Quốc cũng bị tác động ít nhiều, nhất là khi chính phủ nước này cho phép đồng nhân dân tệ được giao dịch tự do hơn.
Xuân Mai
Bình luận (0)