Các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn phóng hàng chục quả tên lửa Trường Chinh 5 để thử nghiệm ý tưởng làm chệch quỹ đạo bay của một thiên thạch đe dọa trái đất. Theo Reuters ngày 7-7, tại Trung tâm Khoa học Không gian quốc gia Trung Quốc (CNSSC), các nhà nghiên cứu nhận thấy trong các môi trường mô phỏng, 23 tên lửa Trường Chinh 5 tấn công cùng lúc có thể khiến một tiểu hành tinh lớn chệch khỏi quỹ đạo bay ban đầu với khoảng cách bằng 1,4 lần bán kính trái đất.
Những tính toán của họ được đưa ra dựa trên Bennu, thiên thạch có bề rộng tương đương chiều cao của Tòa nhà Empire State ở Mỹ. Mọi tiểu hành tinh dài hơn 1 km đều có khả năng gây ra những hậu quả toàn cầu.
Trong đề xuất của mình, nhóm nghiên cứu từ CNSSC gợi ý phóng cùng lúc 23 tên lửa Trường Chinh 5 từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Trung Quốc. Trong gần 3 năm kể từ thời điểm phóng, tên lửa sẽ đến Bennu, mang theo thiết bị được thiết kế nhằm tránh làm vỡ tung thiên thạch và lần lượt lao vào mục tiêu.
Theo tính toán của nhà nghiên cứu Li Mingtao, quỹ đạo bay của Bennu khi đó sẽ bị lệch không đáng kể nhưng đủ để tạo ra khoảng cách an toàn với trái đất. "Trong vòng 10 năm, chúng ta có thể bảo vệ trái đất khỏi những thiên thạch lớn mà không cần sử dụng giải pháp hạt nhân" - ông Li và các đồng nghiệp tuyên bố.
Tên lửa Trường Chinh được mô tả là xương sống của chương trình vũ trụ Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Khẳng định đề xuất trên là một "ý tưởng khá hay", chuyên gia Alan Fitzsimmons từ Trung tâm Nghiên cứu Vật lý thiên văn (ARC) của Trường ĐH Queen Belfast (Bắc Ireland) nói rằng thông qua việc gia tăng lực tác động lên thiên thạch, những nguyên tắc vật lý đơn giản có thể tạo ra hiệu quả lớn hơn rất nhiều.
Dù vậy, ông Fitzsimmons nhấn mạnh hoạt động thực tế của một sứ mệnh như vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Những ước tính hiện hành cho thấy nguy cơ một thiên thạch rộng 100 m va vào trái đất trong 100 năm tới là chưa đến 1%, chuyên gia Gareth Collins của Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) khẳng định, đồng thời cho biết với một thiên thạch có kích thước như Bennu, tỉ lệ này là chưa đến 0,1%.
Theo giới khoa học, rủi ro liên quan đến nỗ lực thay đổi hướng đi của thiên thạch là thấp hơn so với phá hủy thiên thạch bằng chất nổ hạt nhân, vốn có thể tạo ra tàn dư mà không làm thay đổi quỹ đạo bay của thiên thạch.
Ý tưởng trên nhiều khả năng được thử nghiệm lần đầu tiên trong giai đoạn từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến dùng một tàu vũ trụ do robot điều khiển để can thiệp 2 tiểu hành tinh tương đối gần trái đất. Khi đến đích sau khoảng 1 năm kể từ thời điểm phóng, tàu vũ trụ NASA sẽ va vào thiên thạch nhỏ hơn trong số này để tìm hiểu xem quỹ đạo bay của nó sẽ thay đổi ra sao.
Tên lửa Trường Chinh 5 đóng vai trò then chốt đối với các tham vọng vũ trụ ngắn hạn của Trung Quốc, từ đưa mô-đun lõi lên trạm không gian đến phóng tàu thăm dò lên mặt trăng và sao Hỏa. Kể từ năm 2016, quốc gia này đã phóng thành công 6 tên lửa Trường Chinh 5, với lần phóng gần đây nhất gây ra một số lo ngại khi tàn tích tên lửa rơi xuống Ấn Độ Dương hồi tháng 5.
Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua không gian để thách thức sự thống trị của Mỹ. Đến giờ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đáp thành công robot thám hiểm xuống sao Hỏa và đang xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung để cạnh tranh với Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), khám phá vùng khuất của mặt trăng và nghiên cứu các mẫu vật mặt trăng vừa được robot thu thập.
Theo một nhà khoa học giấu tên của Trường ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh), cạnh tranh Mỹ - Trung giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ vũ trụ. "Vấn đề là khi mối đe dọa tận thế xuất hiện, chính trị có thể phủ bóng khoa học và chúng ta có thể tiêu tốn nhiều thời gian vào các cuộc tranh luận về việc quốc gia nào nên dẫn đầu" - vị này chia sẻ với báo South China Morning Post.
Bình luận (0)